Những ngày giáp Tết Tân Mão, Phố núi Pleiku xôn xao trước thông tin có nghĩa địa dưới lòng Biển Hồ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Ngày 22-2, UBND thành phố Pleiku đã có cuộc họp với các ban ngành liên quan thông báo một số kết quả kiểm tra bước đầu cũng như hướng xử lý sắp đến. Tham dự có một số nhân chứng nguyên là lãnh đạo, cán bộ thủy lợi tham gia xây dựng hồ chứa thủy lợi nơi có nghĩa địa.
Tại cuộc họp, ông Phạm Xuất- nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Gia Lai-Kon Tum khẳng định: “Thời điểm đó, tôi là Phó Giám đốc sở. Nguồn vốn xây dựng hồ tưới nước do Trung ương cấp không thiếu nên việc kiểm kê, bốc cốt làm rất kỹ. Những ngôi mộ mà người dân cho rằng còn hài cốt thực ra chỉ là những thành mộ vôi còn lại sau khi đã bốc cốt”. Tuy nhiên, ông Xuất cũng phân vân: “Không loại trừ có những thiếu sót trong quá trình thực hiện nên cũng cần kiểm tra lại(?).
Ảnh: Nguyễn Giác |
Sau khi có thông tin nhiều chiều về tình trạng nghĩa địa làm ô nhiễm nguồn nước, UBND thành phố Pleiku đã chỉ đạo các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra và bước đầu khẳng định không còn mồ mả chôn cất và không có chuyện quan tài nổi lên trên mặt nước.
Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Gia Lai cũng đã lấy mẫu nước thô, nguồn nước đầu và cuối để kiểm tra trước khi nhà máy nước cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn TP. Pleiku. Các mẫu nước đều có kết luận khẳng định đảm bảo các tiêu chuẩn lý, hóa. Về mặt thực tế, đại điện của Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai cho biết: Khoảng cách từ nghĩa địa thuộc hồ B đến trạm bơm cấp nước sinh hoạt đặt tại hồ A cách 2,1 km nên không ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Nguyễn Đình Tiến một lần nữa chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an TP. Pleiku, Phòng Nội vụ, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND xã Biển Hồ… tiếp tục kiểm tra và có kết luận chính thức vào ngày 25-2 tới và thông báo rộng rãi trong nhân dân, tránh gây hoang mang trong dư luận và an ninh trật tự trên địa bàn.
Lê Văn Nhung