Chính trị

Tin tức

Tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện quy định nói trên, ngày 25-12-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn (số 04); theo đó, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là các ủy viên ban thường vụ cấp ủy từ xã và tương đương trở lên, nơi không có ban thường vụ thì lấy phiếu tín nhiệm đối với bí thư và phó bí thư.

 Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu hoăc phê chuẩn. Ảnh: Đức Thụy
Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu hoăc phê chuẩn.
Ảnh: Đức Thụy

Đối tượng tiếp theo là các cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh (cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương trở lên); cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực, thành viên HĐND, UBND).

Theo các quy định liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đợt này thì đối với mỗi chức danh cán bộ trong diện nói trên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm tối đa ở hai nơi, cụ thể: Cấp ủy cùng cấp đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy (hoặc toàn thể đảng viên đối với nơi không có cấp ủy) và ở nơi công tác đối với chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, đối với các chức danh do Quốc hội quy định thực hiện theo quy định của Quốc hội.

Đối tượng ghi phiếu tín nhiệm, lần này được quy định như sau: Đối với ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy các cấp, đối tượng ghi phiếu là ủy viên ban chấp hành đảng bộ cùng cấp; ở đảng ủy cơ sở đối tượng ghi phiếu tín nhiệm là các đảng ủy viên (nơi không có cấp ủy thì tất cả đảng viên). Đối với chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thì đối tượng ghi phiếu tín nhiệm là các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (đối với cấp tỉnh); chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện thì đối tượng ghi phiếu tín nhiệm là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện và tương đương. Đối với sở, ban, ngành và tương đương thì đối tượng ghi phiếu là cấp ủy viên cơ sở, trưởng các tổ chức trực thuộc và trưởng các đoàn thể của cơ quan, đơn vị...

Ngoài những điểm đã nói trên, các văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm và ghi phiếu tín nhiệm lần này chỉ dẫn khá kỹ, các cấp ủy tăng cường trách nhiệm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định, nội dung cần lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ 2010-2015 tiến hành vào cuối năm 2014 và tháng 1-2015.

 Đặc biệt tập trung vào nội dung của việc lấy phiếu tín nhiệm, đảm bảo chất lượng thực tế với tinh thần xây dựng, tự phê bình và phê bình, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của từng chức danh lãnh đạo, quản lý. Chống hình thức, qua loa đại khái, hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, ghi phiếu tín nhiệm để bài xích, đả kích, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhất là trong lĩnh vực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một nội dung quan trọng nữa để làm căn cứ lấy và ghi phiếu tín nhiệm là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; tính tiền phong gương mẫu, trung thực, khách quan; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ; năng lực thực tiễn, biết cụ thể hóa đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của lĩnh vực được phân công; tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chất lượng, kết quả của công việc được phân công, việc phòng-chống tham nhũng, cá nhân chủ nghĩa, sự gương mẫu của gia đình trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước... Người được lấy phiếu tín nhiệm cần đánh giá về mình một cách tự giác, minh bạch, rõ ràng; mặt khác người được ghi phiếu tín nhiệm cần khách quan, thẳng thắn, công tâm với những ưu-khuyết điểm của đồng chí mình để ghi phiếu tín nhiệm sát, đúng, giúp đồng chí mình biết mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục.

Và, qua việc lấy phiếu tín nhiệm, cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ cũng cần xem xét, đánh giá khách quan kết quả lấy phiếu tín nhiệm, trên cơ sở đó có sự bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ đương nhiệm và cho tương lai có hiệu quả, tìm ra đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có đủ đức, tài, đảm bảo tín nhiệm trong cán bộ, nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ cho các nhiệm kỳ cấp ủy sắp tới...

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm