(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp đã chủ động đề ra nhiều biện pháp cụ thể để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Năm 2016, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh đã tăng cường và nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp, phối hợp tổ chức 66 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 10 phiên tòa so với năm 2015, vượt chỉ tiêu 16 phiên tòa) và tham gia xét xử lưu động 178 vụ (tăng 29 vụ so với năm 2015), góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng-chống các loại tội phạm. Kết quả cho thấy, trách nhiệm công tố của kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự ngày càng chuyển biến tích cực. Kiểm sát viên đã chủ động hơn trong công tác thực hành quyền kiểm sát qua các phần việc, nhất là trong việc xét hỏi, tranh luận và đối đáp với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2017. Ảnh: Hoàng Cư |
Tại hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2017 vào ngày 11-1, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh nhấn mạnh: Kiểm sát viên tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự là góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các bản án bị cải sửa, tránh được các bản án bị tuyên hủy và đặc biệt là không làm oan người vô tội, không để xảy ra tình trạng bản án oan sai, không bỏ lọt tội phạm... |
Bên cạnh những kiểm sát viên thực hiện tốt việc thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa hình sự cũng còn có không ít kiểm sát viên chưa thật sự tự tin, quyết liệt trong phần tranh tụng, thậm chí còn có những biểu hiện ngại tranh luận, dẫn đến tình trạng không phản bác được quan điểm phản biện của luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác; cuối cùng không được hội đồng xét xử chấp nhận. Điều này được minh chứng rõ nhất trong các phiên tòa hình sự xét xử vụ án tiêu cực tại Sở Y tế (vụ án này đang được các cơ quan chức năng điều tra lại, làm rõ các tình tiết mà tại phiên tòa không thể bổ sung được); vụ án Trần Quý Phượng-nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng-Thương mại Bình An (vụ án này đã bị Viện KSND tối cao kháng nghị); vụ án Lê Thị Tường Vân (ở TP. Pleiku) đã 2 lần kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (sau đó, Viện KSND tỉnh quyết định đình chỉ vụ án)...
Để kiểm sát viên nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự cần phải có nhiều giải pháp cụ thể, toàn diện và đồng bộ. Đó là việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan; nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm; đổi mới chế độ, chính sách cho đội ngũ kiểm sát viên trực tiếp tham gia hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử án hình sự... “Năm 2017, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh quyết tâm thực hiện phúc cung 100% vụ án trước khi truy tố, thường xuyên tổ chức họp trực tuyến báo án, gắn hiệu quả công tác kiểm sát với việc đánh giá kết quả thi đua của từng người... Với những việc làm thiết thực, nhất là việc nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, Viện KSND 2 cấp trong tỉnh sẽ tích cực góp phần hạn chế việc bản hủy, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”-ông Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết.
Hoàng Cư