(GLO)- Ngày 31-12, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tổng kết công tác dân vận năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Những kết quả tích cực
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đã trình bày báo cáo tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Báo cáo nêu rõ: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác dân vận luôn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận. Từ đó, góp phần tạo đồng thuận, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng bộ, hiệu quả hơn trong công tác dân vận.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đem lại nhiều hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Các địa phương đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đã cử 95.000 lượt cán bộ xuống giúp các xã, phường, thôn, bản ở các vùng dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, biên giới, địa bàn trọng điểm.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Phan Lài |
Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của các cơ quan nhà nước và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2020, tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và phát động hệ thống chính trị “Năm dân vận khéo”, hệ thống chính trị đã phát hiện, giới thiệu hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong cả nước...
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nghị quyết đại hội Đảng các cấp; năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với trọng tâm là “Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, công tác dân vận tập trung vào một số nhiệm vụ: Tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, sơ kết, tổng kết một số văn bản của Đảng về công tác dân vận. Xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận; triển khai các văn bản mới của Đảng liên quan đến công tác dân vận. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình nhân dân, trọng tâm là tình hình nhân dân trước, trong và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phối hợp đẩy mạnh công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chú trọng công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng-nhấn mạnh: Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn. Chúng ta đã khơi dậy, phát huy mạnh mẽ nội lực-đó là truyền thống đoàn kết, truyền thống yêu nước, ý chí, sức sống mãnh liệt được khẳng định, phát huy ở tầm cao mới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận đã đạt được nhiều thành tích, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại và nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phan Lài |
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng chỉ đạo: Cần tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị đối với công tác dân vận theo hướng đổi mới, thiết thực, lấy cuộc sống, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của bộ máy nhà nước, cán bộ, đảng viên.
Cần chú trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền bởi đây là nơi quyết định, cũng là nơi tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, tạo mọi điều kiện để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo pháp luật.
Cán bộ, đảng viên phải thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân. Phát huy vai trò nêu gương trong cuộc sống, nhất là cán bộ quản lý, tạo chuyển biến thực sự, nắm được tâm tư, nguyện vọng và dư luận xã hội trong nhân dân một cách khoa học, thực chất để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân.
Tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân sát thực tiễn, có tính thuyết phục cao, phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng. Đẩy mạnh phong trào thi đua dân vận khéo, nhân rộng các mô hình điển hình về công tác dân vận trong hệ thống chính trị.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhằm đánh giá sâu về kết quả, bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân vận tại các địa phương; đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới. Nhiều tham luận có giá trị đã được trình bày tại hội nghị như: "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đoàn kết tập hợp thanh niên", "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền trong tình hình mới"…
Tại điểm cầu Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trình bày tham luận “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn của địa phương”. Theo đó, xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 01-TT/TU về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế và những đặc thù của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hai nội dung nêu trên là yếu tố, là nền tảng quan trọng tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tích cực đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh với những cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu: Hoạt động kết nghĩa giữa hộ người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mô hình “Gắn kết hộ”, chủ trương “Xóa 1 hộ đói, giảm 1 hộ nghèo”, chương trình “Vì em hiếu học”... góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa đồng bào các dân tộc. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn làng, xã nắm đến hộ dân”; phân công các sở, ban, ngành kết nghĩa với các xã đặc biệt khó khăn, xã có khả năng xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị; các phòng, ban cấp huyện kết nghĩa với các thôn, làng để hỗ trợ xây dựng làng nông thôn mới; đảng viên phụ trách việc giúp đỡ từng hộ nghèo…
Với những chủ trương được đề ra kịp thời và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai quyết liệt và đạt những kết quả tích cực. Kết quả lớn nhất là niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng được nâng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho biết: Trong thời gian đến, Tỉnh ủy sẽ cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện công tác dân vận nói chung, công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, phát huy phương pháp, cách làm hay, tích cực tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức cách làm mới, phù hợp để vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, cụ thể là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong chính sách phát triển dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Tỉnh ủy cũng kiến nghị Trung ương cần có chính sách để động viên, thu hút con em dân tộc thiểu số vào biên chế các cơ quan, hệ thống chính trị các cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương-nhấn mạnh: 5 năm qua và trong năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận tiếp tục có sự đổi mới và chuyển động tích cực hơn, triển khai có hiệu quả 8 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Năm 2021, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Những kết quả đã đạt được cho chúng ta thấy, mối quan hệ mật thiết với dân, lòng tin của nhân dân đối với Đảng là yêu cầu quan trọng trong tình hình mới. Để có được lòng tin đó, không chỉ là nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn tạo động lực cho nhân dân thông qua sự quan tâm, chăm lo thực sự cho nhân dân. Lòng tin đó còn phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo của Đảng trong quá trình điều hành phát triển đất nước. Là kết quả của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng-chống tham nhũng có hiệu quả, là công lý, đạo đức, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; là tinh thần nghiêm túc, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chịu sự giám sát của nhân dân. Chúng ta tin tưởng rằng có được sự ủng hộ của nhân dân, có được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chắc chắn Đảng sẽ lãnh đạo đất nước, dân tộc tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong những năm tiếp theo.
PHAN LÀI