Chương trình Chân dung cuộc tình tiết lộ những câu chuyện âm nhạc, lẫn cuộc đời của nhạc sĩ Văn Cao qua lời kể của danh ca Phương Dung và đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân.
Phương Dung tưởng tượng bản thân là 'bóng hồng' của cố nhạc sĩ Văn Cao mỗi khi trình diễn ca khúc của ông. Ảnh: BTC |
Trong Chân dung cuộc tình, danh ca Phương Dung xúc động nhắc về Văn Cao: “Tôi chưa có dịp gặp ông nhưng tôi yêu thích dòng nhạc này từ những năm 14 - 15 tuổi. Tôi biết thời trẻ, Văn Cao là một người đẹp trai, về già ông quá kiệm lời. Ông mang dáng dấp của một người nghệ sĩ lớn. Mỗi khi hát Suối mơ, Bến xuân, tôi mường tượng đến khung cảnh ngoài Bắc và bản thân là bóng hồng của ông trong ca khúc. Bài Bến xuân, tôi sử dụng một bài quan họ dẫn vào, để hát bài này khác với ca sĩ khác. Với Buồn tàn thu, dù thích nhưng tôi sợ mình hát không tới ca khúc này”.
Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân nhớ lại trong một tập chương trình Người kể chuyện tình do cô làm đạo diễn có một đêm thi chủ đề nhạc Văn Cao. Nữ đạo diễn cho rằng chủ đề này khá “nặng ký” cho cả thí sinh và cho chính cô. “Ông là một cây đại thụ khi âm nhạc của ông hàn lâm về giai điệu lẫn ca từ, nếu dàn dựng tiết mục nhẹ nhàng, mộc mạc sẽ không toát được phần hồn của bài hát. Mỗi lần tiếp xúc với nhạc Văn Cao, tôi nặng nề tâm lý, mang áp lực rất lớn. Tuy nhiên, tôi bắt được “cái thần” những bài diễn từ câu nói “Trương Chi là tôi đấy” của chính Văn Cao. Các bài hát của ông đều gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi. Cái đẹp của tâm hồn và cốt cách trong ông đã khiến khán giả và người dàn dựng thăng hoa trong từng câu hát”, nữ khách mời chia sẻ.
Huỳnh Phúc Thanh Nhân thăng hoa khi làm đạo diễn đêm nhạc về Văn Cao. Ảnh: BTC |
Huỳnh Phúc Thanh Nhân từng dàn dựng một trích đoạn về thời thanh xuân của Văn Cao. Khi ấy, ông làm thơ, vẽ tranh để có tiền nuôi ước mơ âm nhạc. Ông có vài mối tình, dễ rung động trong một vài khoảnh khắc vì những hành động đơn giản. Cô kể lại những chi tiết đã tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác các ca khúc của Văn Cao: “Như một ngày, một cô gái ghé qua thăm nhà, cầm chiếc quạt mo quạt cho ông. Ông rung động vì hành động nhỏ và sáng tác ca khúc Cung đàn xưa. Một lần ông trải qua bạo bệnh, trong cơn sinh tử ông “thoát xác“ và nhìn thấy hình ảnh chốn thiên thai, hiện lên thuần khiết, sau tất cả những mệt mỏi của một kiếp phù sinh. Sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, ông viết hai ca khúc Suối mơ và Thiên thai”.
Huỳnh Phúc Thanh Nhân thổ lộ cô đặc biệt yêu thích và thường tìm đọc những tài liệu về Văn Cao: “Người ông mỏng manh, chưa bao giờ nặng quá 45kg, cảm giác gió có thể thổi ông bay đi nhưng con người mỏng manh đó chưa bao giờ khuất phục trước một cơn giông bão nào trong cuộc đời”.
Ngoài những chia sẻ của các khách mời, khán giả còn được lắng nghe những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao như Buồn tàn thu (Họa Mi), Trường ca Sông Lô (Tùng Lâm), Cung đàn xưa (Tuyết Mai), Làng tôi (Nguyễn Kiều Oanh), Thu cô liêu (Trần Vũ). Chương trình dự kiến lên sóng ngày 1.9 trên THVL1.
Theo Thạch Anh (TNO)