Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương đang làm việc với phía Ấn Độ để tháo gỡ lệnh tạm ngừng nhập khẩu sáu mặt hàng nông sản, trong đó có hồ tiêu của Việt Nam.
Sau khi Việt Nam (VN) tạm ngừng nhập khẩu năm nông sản của Ấn Độ do nhiễm mọt nguy hiểm có thể gây dịch hại, ngay lập tức nước này có lệnh ngừng nhập sáu nông sản VN gồm hồ tiêu, cà phê, tre, sắn, quế và thanh long. Trong đó tiêu, cà phê và thanh long là những mặt hàng xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Doanh nghiệp không dám xuất
Trong số sáu nông sản mà Ấn Độ tạm ngừng nhập khẩu, mặt hàng tiêu bị ảnh hưởng lớn nhất vì có khối lượng xuất khẩu sang nước này nhiều nhất so với các nông sản còn lại.
Bà Nguyễn Mai Oanh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), cho biết Ấn Độ là thị trường tiêu thụ tiêu lớn thứ ba thế giới của VN sau Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. “Hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu tiêu sang Ấn Độ vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch từ phía cơ quan VN. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp dám xuất khẩu hàng vào thời điểm này vì chưa chắc chắn hàng cập cảng tại Ấn Độ sẽ được thông quan. Chúng tôi vẫn đang chờ thông tin chính thức từ phía Ấn Độ và VN sau khi hai nước làm việc về vấn đề này”-bà Oanh thông tin.
Đối với mặt hàng cà phê tình hình ít nghiêm trọng hơn. Ông Đỗ Hướng Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco), cho hay sản lượng cà phê xuất sang Ấn Độ chiếm rất ít so với tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của VN. Hơn nữa, Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu cà phê, các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động chủ yếu theo kiểu mua đi bán lại là chính.
Tuy nhiên, ông Dương lo ngại thông tin này sẽ kéo giá nông sản trong nước đi xuống, ảnh hưởng dây chuyền sang các thị trường khác. Giá giảm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các công ty thương mại Ấn Độ chuyên mua đi bán lại nhảy vào ép giá nông sản VN.
Nhiều người lo ngại trước thông tin Ấn Độ ngưng nhập sáu loại nông sản, trong đó có hồ tiêu. |
“Vi phạm thông lệ quốc tế”
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản VN cho biết việc Ấn Độ tạm ngừng nhập khẩu sáu loại nông sản VN khiến DN rất lo lắng”. Vì trước đó Bộ Nông nghiệp và PTNT VN đã tạm ngừng nhập khẩu đậu phộng (lạc), hạt muồng, hạt ca cao, đậu cô ve và quả me từ Ấn Độ.Nguyên nhân do các loại nông sản trên của Ấn Độ có nguy cơ cao nhiễm mọt Caryedon serratus - loài mọt nguy hiểm thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của VN và chưa có trên lãnh thổ VN.
Trong năm 2016, VN đã phát hiện hơn 3.000 tấn đậu phộng, 24 tấn me và từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục phát hiện thêm 380 tấn đậu phộng từ Ấn Độ có loại mọt còn sống. Loài mọt này nếu lây lan có thể gây tổn thất lớn về kinh tế, làm mất thị trường xuất khẩu các nông sản của VN. Quyết định tạm ngừng nhập khẩu có hiệu lực sau 60 ngày, kể từ 1-3-2017.
Ngay sau đó phía Ấn Độ ra thông báo sẽ tạm ngưng nhập khẩu hạt cà phê, tre, tiêu đen, quế, sắn và thanh long từ VN với lý do “nhằm lập lại sự ngăn chặn bằng việc kiểm dịch thực vật”.
Một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết Bộ đang cùng Bộ Công thương phối hợp xử lý vấn đề này. Khi nhận được công hàm tạm ngưng nhập khẩu từ phía Ấn Độ, phía VN nhận thấy có nhiều vấn đề nước bạn làm không đúng thông lệ quốc tế. Thứ nhất, lẽ ra khi thay đổi bất cứ chính sách xuất nhập khẩu nào, nước sở tại phải dành thời gian ít nhất hai tháng sau mới áp dụng. Trong khi đó, Ấn Độ đưa ra thông báo tạm ngưng nhập khẩu các mặt hàng nông sản VN và gần như áp dụng ngay lập tức.
“Thứ hai, những lý do phía Ấn Độ đưa ra để áp đặt lệnh tạm ngưng nhập khẩu nông sản Việt không đầy đủ cơ sở khoa học, cũng không đúng với các quy định của chính Ấn Độ. Thứ ba, chính sách này phạm phải nguyên tắc phân biệt đối xử. Chính vì vậy, phía VN đã có công hàm gửi cho cơ quan có thẩm quyền của Ấn Độ yêu cầu xem xét lại thông báo trên”-vị này cho hay.
Theo PLO
Nông dân trữ tiêu chờ giá lên (Theo số liệu của hải quan Việt Nam năm 2016) Để bảo vệ các mặt hàng trong nước, các nước nhập khẩu thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật. Ở đây chưa thể nói Ấn Độ có “trả đũa thương mại” hay không nhưng việc VN tạm ngưng nhập một số nông sản có thể là cái cớ để nước này tạo ra hàng rào ngăn cản nông sản VN. Ông NGUYỄN HỒNG SƠN
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu tại TP.HCM |