Kinh tế

Tìm hướng đi mới cho hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp nhưng hầu hết hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Thiện đang bế tắc, còn xã viên thì mất niềm tin vào kinh tế hợp tác. Điều này đã thúc đẩy Phú Thiện quyết tâm vực dậy hoạt động hợp tác xã theo mô hình mới.

Thực trạng đáng buồn

Huyện Phú Thiện hiện có 13 hợp tác xã (HTX), trong đó có 11 HTX hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp và 2 HTX thủy sản. Tuy nhiên đến nay có 2 HTX đã ngừng hoạt động do làm ăn không hiệu quả là HTX Thủy sản Lý Hà Đông (xã Chrôh Pơnan) và HTX Nông nghiệp Plei Tăng (xã Ia Ake); cùng với đó, HTX Chăn nuôi và Thủy sản Kinh Pênh (xã Chư A Thai) được thành lập vài năm nay nhưng không đi vào hoạt động.

 

Xây dựng HTX kiểu mới sẽ phát huy tiềm năng của ruộng đồng, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Ảnh: Đ.P
Xây dựng HTX kiểu mới sẽ phát huy tiềm năng của ruộng đồng, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Ảnh: Đ.P

Qua khảo sát, các HTX Nông nghiệp trên địa bàn huyện gần như chỉ hoạt động về lĩnh vực thủy lợi, không có HTX hoạt động cung ứng dịch vụ giống và vật tư nông nghiệp. Nội dung, chương trình hoạt động của các HTX đơn điệu, chủ yếu là mở và cắt nước phục vụ tưới tiêu, kiên cố hóa kênh mương, tu sửa kênh mương và đường nội đồng. Nguồn thu nhập duy nhất của các HTX là thu thủy lợi phí của xã viên vào cuối vụ thu hoạch theo định mức 55-70 kg lúa/sào/năm.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất là các HTX không có vốn chủ sở hữu và không vay được vốn của ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh. “Bìa đỏ trụ sở của HTX thì nơi có nơi không và không thể dùng để vay vốn của ngân hàng; còn bìa đỏ đất của dân thì chưa ai chịu dùng để thế chấp vay vốn cho tập thể cả”-ông Siu Lê-Chủ nhiệm HTX Ia Piar (xã Ia Piar) phân trần.

Bên cạnh đó dù lực lượng xã viên khá đông, lên đến 8.518 người, tuy nhiên gần như không có ai góp vốn với HTX, do đó không có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ về lợi ích và trách nhiệm với HTX. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) cho hay, qua khảo sát thì hầu như 700 xã viên không ai góp vốn với HTX. Đa số xã viên trước đây góp vốn với HTX bằng hình thức chung tiền (500.000 đồng/hộ) để HTX hợp đồng với Điện lực Ayun Pa xây dựng đường điện, nhưng lưới điện đã được bàn giao về cho ngành Điện lực quản lý từ lâu rồi.

Nhiều HTX do trình độ quản lý kém, phương án sản xuất không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, Ban Quản trị khóa trước để nợ lại cho khóa sau 300-400 triệu đồng. Điển hình như ở HTX Plei Tăng A (xã Ia Ake) trước đây đã nhờ xã viên đứng ra thế chấp tài sản cá nhân với ngân hàng vay tiền để xây dựng trụ sở làm việc và thi công đường điện, rồi sau đó HTX mất khả năng thanh toán. Ban Quản trị khóa trước đùn đẩy nợ cho khóa sau, hậu quả là xã viên Ksor Bó vì “trót dại” cầm cố tài sản vay tiền ngân hàng cho HTX giờ ôm lấy cục nợ gần 300 triệu đồng, qua nhiều năm khiếu kiện mà vẫn chưa được giải quyết…

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX quy mô nhỏ, ngắn hạn, chưa đa dạng lĩnh vực hoạt động và thiếu sự liên kết trong sản xuất kinh doanh; chưa được sự ủng hộ của đa số xã viên, nông dân, thiếu sự gắn kết với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện. HTX chưa thực hiện phân chia lợi nhuận cho xã viên. Trình độ quản lý kém, hiệu quả hoạt động của HTX đạt thấp, bình quân chỉ có 60-70% số xã viên nộp phí dịch vụ, nợ đọng của xã viên, nông dân với HTX còn cao (điển hình như HTX Ia Sol 3 có số nợ đọng trên 3 tỷ đồng; HTX Thắng Lợi 1 nợ đọng trên 1 tỷ đồng).

 

Ông Rơ Châm La Ni-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: “Các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ phải vào cuộc hỗ trợ HTX và nông dân hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi để làm ra sản phẩm đúng kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn, chất lượng”.

Xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Để phát huy lợi thế của đồng ruộng và thực hiện Luật HTX năm 2012, UBND huyện Phú Thiện quyết tâm xây dựng thí điểm 2 HTX kiểu mới là HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) và HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Ia Sol). Đây là 2 HTX hoạt động trên lĩnh vực trồng lúa gắn với cánh đồng mẫu lớn 1 giống, tổng diện tích khoảng 75 ha, có hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng vật tư phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân.

Mục tiêu cao nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX kiểu mới là phát triển kinh tế hộ gia đình, đem lại thu nhập cao hơn cho các thành viên của HTX, tiếp đến là lợi ích của tập thể và cộng đồng. Theo Luật HTX năm 2012, Chủ nhiệm HTX sẽ là Giám đốc; HTX sẽ hoạt động giống như một doanh nghiệp thực thụ, qua đó nâng cao vị thế, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu HTX. Ông Rơ Châm La Ni-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết: HTX phải có chương trình hoạt động sản xuất kinh doanh dài hơi và phải được đa số xã viên đồng tình ủng hộ, thể hiện được quyền lợi sát sườn của xã viên. HTX phải đứng ra hợp đồng với các đơn vị cung ứng vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, vừa đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng; đồng thời ký kết với doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa. Ví dụ sản xuất lúa loại gì, ra hạt gạo gì theo yêu cầu của doanh nghiệp (vì doanh nghiệp đặt hàng, có thị trường tiêu thụ). Đối với sản xuất lúa giống cũng thế, phải đáp ứng được về tiêu chuẩn, chất lượng để vừa sử dụng trong địa bàn huyện vừa bán được ra thị trường. Phải tiến hành liên kết “4 nhà”: nhà nông-nhà quản lý-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp.

Cùng quan điểm đó, ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy Phú Thiện cho rằng không thể để cho HTX và xã viên, nông dân “tự bơi” như lâu nay mà chính quyền phải vào cuộc quyết liệt để thực hiện Luật HTX năm 2012. UBND huyện giao trách nhiệm cho các ngành chuyên môn giúp đỡ, tạo điều kiện về hành lang pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật để tập trung xây dựng 2 HTX kiểu mới. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền với HTX, phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội với HTX. Trên cơ sở 2 HTX kiểu mới này, huyện sẽ tiến hành chuyển đổi tất cả các HTX còn lại sang HTX kiểu mới trong năm 2016.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm