Kinh tế

Tài chính

Tín dụng chính sách giúp người từng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nửa năm triển khai, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp những người chấp hành xong án phạt tù tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống.

Cơ hội làm lại cuộc đời

Tháng 10-2023, gia đình bà Trịnh Thị Dung (thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Phú Thiện cho vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi bàn bạc, gia đình bà quyết định dùng số tiền này đầu tư phát triển vườn cây ăn quả rộng hơn 2 ha.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện giải ngân nguồn vốn cho bà Trịnh Thị Dung (đứng giữa, thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ). Ảnh: V.C

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện giải ngân nguồn vốn cho bà Trịnh Thị Dung (đứng giữa, thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ). Ảnh: V.C

Bà Dung cho biết, vườn cây trồng được 6 năm. Do đất thoái hóa nên các loại cây ăn quả như na, mít, táo, nhãn, dừa đạt năng suất thấp. Nhận vốn vay, bà cùng con trai mua thêm phân bón, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước và cải tạo vườn cây. Gia đình cũng nuôi thêm 50 con gà và 5 con heo rừng lai dưới tán cây để vừa tăng thu nhập, vừa tận dụng nguồn chất thải bón cho cây trồng.

Thấy con trai chịu khó tìm tòi, học hỏi phát triển kinh tế, bà Dung không giấu được hạnh phúc. “Ai cũng có lúc lầm lỡ nhưng quan trọng là biết vươn lên. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, con trai tôi có cơ hội làm lại cuộc đời. Hiện mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”-bà Dung cho hay.

Tương tự, thông qua chương trình tín dụng chính sách dành cho người mới chấp hành xong án phạt tù, gia đình chị Siu H’Sin (tổ 2, thị trấn Phú Thiện) được vay 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

Chị chia sẻ: Với những người mới ra tù như chồng chị, muốn có việc làm thì rất cần vốn. Người thân, bạn bè đều khó khăn nên cũng chỉ hỗ trợ được phần nào. Vì vậy, được tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn là niềm mong mỏi của những gia đình có hoàn cảnh giống như vợ chồng chị.

“Nhờ lực lượng Công an và Ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình nên hồ sơ được giải quyết nhanh chóng. Với 50 triệu đồng vay được, vợ chồng tôi đầu tư mua giống, phân bón và hệ thống ống tưới cho 1,4 ha lúa. Nhờ đó, vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa đạt 8 tấn/ha. Với giá bán 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 40 triệu đồng”-chị H’Sin bộc bạch.

Chính sách nhân văn

Ngày 10-10-2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp nhiều cuộc đời được mở sang trang mới.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn tại các hộ gia đình. Ảnh: Kim Liên

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phú Thiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn tại các hộ gia đình. Ảnh: Kim Liên

Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho hay: Để tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, thị trấn đã thành lập mô hình “Thắp sáng niềm tin” gồm 27 thành viên.

Ngay sau khi nắm thông tin về chương trình hỗ trợ vốn vay cho các đối tượng này, UBND thị trấn phối hợp với lực lượng Công an tiến hành rà soát những trường hợp mới chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện để lập danh sách đề nghị Ngân hàng CSXH xem xét cho vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.

Hiện địa phương có 4 trường hợp được vay nguồn vốn này, trong đó, 2 trường hợp được vay 80 triệu đồng, 2 trường hợp vay 50 triệu đồng. Tất cả đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả.

“Đây là chính sách rất đúng và trúng, thể hiện tính nhân văn, vừa tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, vừa giúp địa phương đảm bảo an ninh trật tự”-ông Chinh nhận định.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, quá trình thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa lực lượng Công an, Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương.

Sau nửa năm triển khai, đơn vị đã giải ngân cho 9 trường hợp vay vốn với tổng dư nợ 660 triệu đồng. Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan giúp đỡ cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục triển khai chương trình này và đề xuất chính quyền địa phương dành một phần ngân sách bổ sung nguồn vốn cho vay nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của vay; phấn đấu không để trường hợp nào có nhu cầu, đủ điều kiện mà không tiếp cận được nguồn vốn.

Có thể bạn quan tâm