Kinh tế

Tài chính

Tín dụng chính sách là nguồn lực giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có hơn 1.107 tỷ đồng được giải ngân cho trên 53 ngàn lượt hộ vay. Nguồn lực này đã giúp các đối tượng yếu thế phấn đấu vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Cách đây 20 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Huyện Chư Sê triển khai thực hiện nghị định này từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước. Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện đã triển khai tới 18 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay đạt 1.107 tỷ đồng với 53.437 lượt hộ vay. Doanh số thu nợ đạt hơn 742 tỷ đồng. Tổng dư nợ tính đến ngày 30-6-2022 đạt 363,4 tỷ đồng/10.404 hộ dư nợ, tăng 361,3 tỷ đồng và tăng gấp 172,7 lần so với năm 2003. Nguồn vốn này đã giúp cho 13.725 hộ vay vốn thoát nghèo, 3.994 hộ vay vốn không còn trong danh sách cận nghèo, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách. Ảnh: Sơn Ca
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động tín dụng chính sách. Ảnh: Sơn Ca


Ông Gluk (làng Phạm Ó, xã Bar Măih) rất biết ơn chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo của Chính phủ. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi có 6 người, sống rất khó khăn vì không biết cách làm ăn, không có vốn. Biết được gia cảnh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TTKVVV) đã tạo điều kiện để tôi vay vốn Ngân hàng CSXH huyện”. Năm 2012, ông Gluk vay 15 triệu đồng để trồng 300 cây cà phê. Trải qua nhiều năm cố gắng làm ăn, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững, có trong tay 1.000 cây cà phê, mua xe công nông, chăn nuôi bò, dê, heo. Sau khi trừ chi phí thì thu nhập mỗi năm gần 80 triệu đồng.

Những năm qua, mạng lưới 245 TTKVVV được ví như cánh tay nối dài đưa đồng vốn đến tận tay hộ vay, hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Bà Dương Thị Kim Hường-Tổ trưởng TTKVVV làng Dun Bêu (thị trấn Chư Sê) bày tỏ: “Khi thành lập tổ chỉ có 6 hộ vay nhưng đến nay đã phát triển thành 2 tổ cùng hoạt động với 96 hộ vay, tổng dư nợ hơn 5 tỷ đồng, huy động tiết kiệm được 292 triệu đồng. Riêng tổ do tôi quản lý có 53 hộ vay với dư nợ 2,766 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 223 triệu đồng. Điều phấn khởi là các hộ vay đều chấp hành tốt quy ước, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi mà cuộc sống người dân trong làng ngày càng đổi thay”.

Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho biết: “Qua 20 năm thực hiện ủy thác cho vay, đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân quản lý là 122,1 tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ ủy thác với 4.335 hộ vay, tăng 111,4 tỷ đồng so với năm 2010. Nguồn vốn ủy thác này đã góp phần giúp hội viên nông dân trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-thông tin: “Để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chúng tôi tranh thủ nguồn vốn cấp trên và huy động nguồn vốn tại địa phương. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, hàng năm, UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền huy động tiền gửi tiết kiệm qua TTKVVV, cung cấp dịch vụ huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã để phục vụ tốt nhu cầu gửi tiền của người dân trên địa bàn. Tính đến ngày 30-6-2022, tổng nguồn vốn của Phòng Giao dịch đạt 363,632 tỷ đồng, tăng 172,9 lần so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm là 9,04%/năm. Đáng ghi nhận, 100% TTKVVV, 99% số hộ vay vốn đã tham gia gửi tiền tiết kiệm, góp phần huy động nguồn lực toàn xã hội để chung tay vì mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn.

 

 SƠN CA - LÝ NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm