Kinh tế

Tài chính

Tín dụng chính sách xã hội: Cầu nối ý Đảng-lòng dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có thể nói, hành trình dẫn vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là sự chung tay của cả hệ thống chính trị nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức, phát huy nội lực, tự vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, ổn định cuộc sống. Đây cũng là nhân tố hết sức quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các khu vực khác trong tỉnh.

Trong 10 năm qua (2007-2017), công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Điều này được thể hiện rất rõ khi các chỉ tiêu giảm nghèo được đưa vào nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của UBND tỉnh.

 

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân làng đặc biệt khó khăn Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) có điều kiện phát triển sản xuất cây hồ tiêu. Ảnh: S.C
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân làng đặc biệt khó khăn Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) có điều kiện phát triển sản xuất cây hồ tiêu. Ảnh: S.C

Là một kênh vốn chủ lực trong các chương trình giảm nghèo bền vững, vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đã phát huy tối đa vai trò “bà đỡ” cho đồng bào DTTS ở các vùng đặc biệt khó khăn, là đòn bẩy hỗ trợ bà con phát triển sản xuất để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, vươn lên thoát nghèo, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp với công tác huy động vốn để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, luôn ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Điều này thể hiện rất rõ qua số hộ đồng bào DTTS có dư nợ tại Ngân hàng CSXH chiếm tới 50,12% tổng số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, quy mô tăng trưởng vốn của hộ đồng bào DTTS trong 10 năm qua bình quân 20,65%.

Trong 13 chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai trên địa bàn thì 12 chương trình có đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào DTTS; có 3 chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS, gồm: cho vay đối với hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg (thay thế Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg); cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Đối với 3 chương trình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát việc triển khai chính sách tại cơ sở; chỉ đạo UBND các địa phương rà soát cho vay kịp thời, đảm bảo 100% số hộ nằm trong đề án có nhu cầu đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. 10 năm qua, nếu doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 8.056,3 tỷ đồng/438.734 lượt hộ vay thì riêng doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS đạt 3.183,2 tỷ đồng/194.094 lượt hộ vay; số hộ đồng bào DTTS còn dư nợ là 81.328 hộ/1.789,8 tỷ đồng (chiếm 57,96% số hộ dư nợ và chiếm 46,4% tổng dư nợ tại Ngân hàng CSXH tỉnh), dư nợ bình quân đạt hơn 22 triệu đồng/hộ.

Một điểm không thể phủ nhận là chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của hộ đồng bào DTTS vay vốn các chương trình chỉ chiếm 0,04%/tổng dư nợ của hộ đồng bào DTTS. Các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, biết phát huy hiệu quả của đồng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nỗ lực vươn lên cải thiện cuộc sống, từ đó góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% xuống còn 11,36% (riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 35,7% xuống còn 31,75%) thì giai đoạn 2016-2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ 19,71% xuống còn 13,34% (riêng tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 40,1% xuống còn 27,76%).

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hơn 194 ngàn hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, trong đó, có hơn 95 ngàn hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 20.578 lao động (591 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp hơn 4.856 học sinh, sinh viên  có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 9.248 căn nhà cho hộ nghèo; xây dựng gần 29.446 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đáng ghi nhận hơn hết, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ với tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương, củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Để đạt những kết quả trên, đối với một tỉnh Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp như Gia Lai là điều rất đáng tự hào. Sự vào cuộc chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gắn với công tác phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội đã chung tay cùng hệ thống Ngân hàng CSXH xây dựng được kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân, có sự giám sát của các đoàn thể trong việc thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.

Thông qua hệ thống điểm giao dịch cố định tại các xã, phường, thị trấn cộng với mạng lưới Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, làng, tổ dân phố đã đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cũng từ mô hình hoạt động đặc thù của Ngân hàng CSXH đã góp phần là cầu nối hữu hiệu giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân, trong đó có đồng bào DTTS nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, gắn với giữ vững ổn định an ninh chính trị, quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Lê Văn Chí
Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Có thể bạn quan tâm