Kinh tế

Tín dụng cho học sinh, sinh viên: Đúng đối tượng và công bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Siu Thị Nữ Hạnh
Bà Siu Thị Nữ Hạnh
Năm học 2010-2011, một số điều chỉnh về đối tượng khiến không ít trường hợp bị tạm dừng vay vốn. Song “Đây là chương trình ưu đãi nên cần phải xác định đúng đối tượng để việc thụ hưởng chính sách được thực sự công bằng”-bà Siu Thị Nữ Hạnh- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NH CSXH) tỉnh Gia Lai nêu quan điểm.
“Không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu tiền học phí”
Chương trình tín dụng cho HS-SV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ sau 3 năm triển khai thực hiện thực sự đi vào cuộc sống và có ý nghĩa quan trọng. Đã có hàng ngàn HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, có cơ hội học tập, nâng cao tay nghề để lập thân, lập nghiệp. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi đã tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống, tạo ra một đội ngũ trí thức, lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương.
Em Trần Thanh Bình (lớp Văn-giáo dục công dân K30, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) là một trong số đó. Hoàn cảnh gia đình khiến việc học tập của Bình có lúc tưởng chừng phải gián đoạn. “Song tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, em đã mua sắm được các trang-thiết bị, đồ dùng phục vụ học tập và trang trải học phí. Em không phải đi làm thêm mà dành thời gian nhiều hơn cho việc học, từ đó kết quả học tập của em cũng cao hơn. Chương trình đã động viên và giúp em cũng như rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác, nhất là các bạn ở vùng sâu, vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện được tiếp tục học tập, xây dựng tương lai”-Bình nói.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đặc biệt hơn là trường hợp của em Ngô Hồ Như Ý (học sinh năm 3 Trường Trung cấp nghề Gia Lai). Học xong lớp 11, Ý đã phải nghỉ học vì gia đình không đủ điều kiện cho em tới trường. Bỏ học giữa chừng, Ý vào TP. Hồ Chí Minh kiếm việc làm. Bằng đủ nghề lao động chân tay, để dành được một số tiền và năm học 2008-2009, Ý xin vào học Trường Trung cấp nghề Gia Lai. Có thừa quyết tâm nhưng việc học của Ý suýt gián đoạn nếu không có chương trình hỗ trợ vốn vay cho HS-SV. Ý tri ân: “Số tiền được vay em dùng để đóng học phí, đóng tiền học thêm, tiền trọ, tiền ăn và tiền đi lại bởi nhà xa. Em thực sự biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, giúp đỡ để những HS-SV nghèo như chúng em được tiếp tục đến trường”.
Sẵn sàng cho năm học 2011-2012
Sau 3 năm triển khai Quyết định số 157, tính đến 31-12-2010, có gần 26.300 HS-SV thuộc trên 22.400 hộ trên địa bàn tỉnh được vay vốn, tổng dư nợ đến cuối năm 2010 đạt 396 tỷ đồng; trong đó, dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là gần 22 tỷ đồng với gần 2.200 HS-SV của trên 2.000 hộ. Đa số các hộ vay vốn đều quan tâm trả nợ ngân hàng, nhiều hộ tự nguyện trả trước hạn. Song vẫn có một bộ phận HS-SV khi có việc làm lại chưa có trách nhiệm cùng gia đình hoàn trả nợ vay. 13 hộ gia đình vay vốn, dư nợ trên 146 triệu đồng đã bỏ đi khỏi địa phương, hay một số HS-SV vi phạm quy chế nhà trường đã bị đuổi học. Một số ngành nghề khi ra trường HS-SV khó xin việc làm, không có thu nhập khiến việc thu hồi nợ gặp không ít khó khăn.
Ngày 15-10-2010, Tổng Giám đốc NH CSXH Việt Nam đã có Công văn số 2547 hướng dẫn một số điểm theo Thông báo số 231/TB-VPCP. Theo đó, nhóm các đối tượng thuộc diện vay gồm: Học sinh-sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, diện mồ côi vẫn được vay bình thường.
Đồng thời, từ năm học 2010-2011, đối tượng được vay sẽ mở rộng thêm các thành phần như bộ đội phục viên và học sinh-sinh viên nông thôn học nghề. Riêng đối tượng thuộc hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính, tạm thời sẽ được điều chỉnh bằng cách cho vay trong thời hạn tối đa không quá 12 tháng (thay vì cho vay suốt cả quá trình học của các em như trước đây).
Giải thích về việc điều chỉnh này, bà Siu Thị Nữ Hạnh nói: “Đây là chương trình ưu đãi nên phải xác định đúng đối tượng để việc thụ hưởng chính sách được thực sự công bằng. Với những khó khăn đột xuất, thời gian 12 tháng để giải quyết là hợp lý. Nếu chỉ vì khó khăn đột xuất vào một thời điểm mà được hỗ trợ suốt 4 năm là không công bằng. Vì vậy, điều chỉnh đối tượng cho vay là để chương trình chính xác với đối tượng và sát với thực tiễn”.
Một điều chỉnh nữa có lợi cho HS-SV trong chương trình này là mức vay đã tăng lên 900.000 đồng/tháng với lãi suất 0,5%-thấp hơn lãi suất cho vay hộ nghèo. NH CSXH cũng đã đề nghị tăng mức cho vay lên 1,1 triệu đồng/tháng. Hiện vốn cho vay chương trình tín dụng HS-SV năm học 2011-2012 đã sẵn sàng với 160 tỷ đồng. Kế hoạch, giải ngân học kỳ I năm học 2011-2012 vào tháng 9 và 10-2011 là 85 tỷ đồng, đưa dư nợ cho vay đến 31-12-2011 của Chi nhánh đạt 548,8 tỷ đồng.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm