Kinh tế

Tài chính

Tín dụng sẽ được điều hành như thế nào trước diễn biến dịch?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, trong đó ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)



Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ nay đến hết năm sẽ điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Kỳ vọng nới thêm hạn mức tín dụng

Trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng. Nhìn chung, các mức tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 2%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng.

Cụ thể, 3 ngân hàng được nới room cao nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank) được nâng room tín dụng từ 11,5% lên 17,4%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) từ 12% lên 17%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) được tăng từ 10,5% lên 15%.

Tiếp đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) từ 8,5% lên 14,1%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được điều chỉnh từ 8,5% lên 12,1%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%.

Big 4 có ngân hàng duy nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10,5% lên 14%.

Sự điều chỉnh với biên độ hẹp hơn năm trước cho thấy sự thận trọng của cơ quan điều hành trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Trong nhiều năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước thông thường chỉ có một lần điều chỉnh tín dụng mỗi năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết hầu hết các nhà băng được nới room tín dụng lần này là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách thiết thực trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay.

Theo lý giải của SSI, hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cụ thể, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, ACB, HDBank, Sacombank, TPBank… đã chính thức thông báo giảm lãi suất cho vay ít nhất 1%/năm từ 15/7 đến cuối năm cho các khách hàng bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh. Trong khi đó, lãi suất huy động không thay đổi và được kỳ vọng sẽ đi ngang trong ngắn hạn.  


 

 



Cũng có ý kiến cho rằng, để ngân hàng có động lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tạo thêm dư địa giúp giảm thêm lãi suất. Theo đó, có thể ban hành cơ chế "thưởng room" tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19…

Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro

Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12%-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng Sáu, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10%-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7%-8%.

Trong 3 kịch bản, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế từng cho biết Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.

Với tình hình hiện nay, diễn biến thực tế đang gần giống với kịch bản số 3 nhất khi Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thứ tư.

Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm lại cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính đến 21/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 5,47% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 2,45%.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 toàn nền kinh tế đạt 14%, tương đương với mục tiêu cao nhất của Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng tư nhân có thể đạt 15%-20%, cao hơn toàn ngành.

"Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là quý 4," chuyên gia ABCS nhận định.

Còn tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10%-15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.

 

 



Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp sau khi bùng phát lần thứ 4 sẽ khiến số lượng các doanh nghiệp gặp khó khăn tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu vay cũng như chất lượng tín dụng.

Ông Hiếu cũng nhận định để tăng trưởng tín dụng hiệu quả cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa, bởi hiện nay nhu cầu vốn đã tăng, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở những lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không... tạm dừng hoạt động. Vì vậy, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hòa giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó ưu tiên tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động.

 

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm