(GLO)- Việc mở rộng tín dụng ủy thác qua kênh các tổ chức chính trị-xã hội được đánh giá là giải pháp căn bản nhằm giúp người dân tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Mạng lưới các tổ chức tín dụng ở tỉnh Gia Lai thời gian qua không ngừng được củng cố, mở rộng với 27 chi nhánh ngân hàng cấp I và 6 Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở thông qua 137 địa điểm giao dịch. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 6 công ty tài chính đang hoạt động với 672 điểm giao dịch. Mạng lưới này về cơ bản đã làm tốt công tác huy động và chuyển tải vốn tín dụng đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, sử dụng dịch vụ tiện ích ngân hàng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội làm thủ tục giải ngân vốn cho hộ vay tại điểm giao dịch xã. Ảnh: Thanh Nhật |
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò cầu nối chuyển tải vốn tín dụng thông qua hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Theo thống kê, chỉ riêng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị-xã hội trên trong năm 2018 đạt 4.199,6 tỷ đồng, chiếm tới 99,93% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân là 1.361,9 tỷ đồng, qua Hội LHPN 1.582,7 tỷ đồng, qua Hội Cựu chiến binh 691,6 tỷ đồng và qua Đoàn Thanh niên 563 tỷ đồng. Hoặc tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Đông Gia Lai, dư nợ cho vay qua các tổ vay vốn thuộc các tổ chức chính trị-xã hội đạt 900 tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng dư nợ…
Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Hội đã có một số hoạt động kết nối giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại như ACB, Bưu điện Liên Việt, SeAbank. Theo bà Hồ Thị Quý-Trưởng ban Hỗ trợ phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam), để công tác hỗ trợ tín dụng đạt hiệu quả, các cấp Hội đã phân loại theo nhóm đối tượng và nhu cầu vay vốn phù hợp. Đồng thời, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô theo hướng tăng dần tính hiệu quả, mở rộng địa bàn hoạt động. Hiện nay, 56/63 tỉnh, thành phố đã có chương trình, dự án tài chính vi mô với tổng dư nợ đạt gần 2.000 tỷ đồng/hơn 300 ngàn khách hàng. Bên cạnh đó, Hội đã mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình bảo hiểm vi mô cho người nghèo thông qua tổ chức tài chính vi mô Tình thương để giảm thiểu các khó khăn về tài chính cho hội viên không may gặp rủi ro, có nhu cầu tài chính đột xuất. Hội cũng vận động hội viên thực hành tiết kiệm nhằm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm vi mô cho các thành viên trong gia đình, sửa chữa nhà cửa, đóng học phí cho con, dự phòng rủi ro… Hiện nay, đã có trên 10 triệu hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm với số dư trên 5.000 tỷ đồng.
Về phía Hội Nông dân Việt Nam, đơn vị này đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, thỏa thuận liên ngành với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm tạo điều kiện cho hội viên có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi. Nguồn vốn tín dụng ủy thác qua Hội Nông dân hàng năm tăng 8-10%. Tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng ngân hàng ủy thác qua Hội Nông dân các cấp đạt trên 112.000 tỷ đồng với gần 3,7 triệu lượt hội viên vay vốn thông qua 85.000 tổ vay vốn. Riêng tại Gia Lai, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đạt trên 5.000 tỷ đồng với hơn 60.000 hộ nông dân được tiếp cận để phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống các Quỹ Hỗ trợ nông dân (tổng nguồn vốn đạt hơn 3.000 tỷ đồng) đã hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế tại địa phương. Phương thức cho vay của Quỹ là theo dự án nhóm liên kết các hộ cùng sản xuất kinh doanh một loại sản phẩm, quy mô dự án từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ không cần tài sản thế chấp. Đây là hoạt động chính của Hội trong việc trực tiếp hỗ trợ vốn cho nông dân. Theo nhận định của ông Đinh Khắc Đính-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, việc đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với hội viên nông dân, mở rộng các hình thức cho vay tín chấp không cần đảm bảo tài sản, cho vay theo tổ-nhóm hộ nông dân liên kết là một trong những giải pháp căn cơ, tích cực giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”. Mặt khác, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm ban hành các chủ trương, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp-nông thôn-nông dân; hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn lớn hơn với thời gian vay dài hơn. Đồng thời, có chế tài mạnh mẽ xử lý hoạt động tín dụng bất hợp pháp đang gây nhức nhối trong xã hội.
SƠN CA