Kinh tế

Tín hiệu khả quan từ gói tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đang được triển khai rộng rãi trên cả nước sẽ mở ra nhiều triển vọng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh.

Trong gói 100.000 tỷ đồng này, riêng hệ thống Agribank dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Nói về việc triển khai chương trình cho vay trên địa bàn, ông Lê Thanh Quang-Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai, cho biết: Đối tượng khách hàng được vay là pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định tại Quyết định số 738 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Agribank sẽ cho vay với lãi suất giảm 0,5%-1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang áp dụng, tùy vào việc thực hiện 3 khâu (cung ứng vật tư đầu vào-sản xuất-tiêu thụ).

 

Trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ảnh: K.N.B
Trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ảnh: K.N.B

Theo đó, điều kiện để được tiếp cận nguồn tín dụng này là những khách hàng sản xuất ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất như thủy canh, trồng cây trên giá thể, ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động, bán tự động; ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và chế biến nông sản; ứng dụng công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), sản xuất theo VietGAP; một số công nghệ tự động hóa; công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp…

Tiếp cận gói tín dụng này, ngoài được ưu đãi về lãi suất, khách hàng còn được hưởng nhiều ưu đãi khác khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng; được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm này, gói tín dụng của các ngân hàng mới chỉ đang triển khai ở giai đoạn giới thiệu để khách hàng tiếp cận. Tuy nhiên, hình thức cho vay đối với sản xuất ứng dụng công nghệ cao bằng nguồn vốn thương mại thì đã được nhiều ngân hàng trên địa bàn áp dụng. Theo ông Nguyễn Quang Huy-Giám đốc Chi nhánh HDbank Gia Lai, Chi nhánh đang cho vay đối với một số dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại huyện Ia Pa, Chư Prông, Mang Yang, TP. Pleiku. Những dự án này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt bậc và tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Dù mới hình thành nhưng hiện nay nhiều mô hình tự phát cũng như một số mô hình điểm trên địa bàn như: sản xuất rau sạch trong nhà lưới, trồng hoa trong nhà lưới, trồng dâu tây ứng dụng công nghệ sinh học đã thu hút nhiều hộ dân tham gia. Tiếp đó là việc triển khai sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C; sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; cơ giới hóa trong thực hiện mô hình cánh đồng mía lớn... Theo số liệu thống kê, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 ha cây trồng ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm.

Tỉnh ta đang đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 240 ha tại địa bàn huyện Đak Đoa (quy mô hơn 84 ha), thị xã An Khê (95 ha), thị xã Ayun Pa (15 ha), huyện Chư Sê (20 ha), TP. Pleiku (gần 20 ha). Đồng thời, mở rộng hàng chục vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các loại cây trồng thế mạnh của tỉnh với quy mô lớn. Do đó, gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đang được kỳ vọng sẽ triển khai rất mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm