Bạn đọc

Tin nhắn trên Facebook, Zalo có được coi là bằng chứng để đòi nợ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều trường hợp cho người quen vay số tiền vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đồng nhưng lại không làm hợp đồng vay tài sản (giấy vay tiền) mà chỉ nói miệng hoặc trao đổi qua tin nhắn trên điện thoại, Facebook, Zalo. Vậy, đây có được coi là bằng chứng để đòi nợ không?

 

Tin nhắn trên Facebook, Zalo được coi là chứng cớ để đòi nợ. Ảnh minh họa: H.L.
Tin nhắn trên Facebook, Zalo được coi là chứng cớ để đòi nợ. Ảnh minh họa: H.L.


Theo quy định của pháp luật, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 175 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” có thể bị xử phạt tù từ 2 đến 7 năm tù nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, dùng thủ đoạn xảo quyệt...

Trong trường hợp nói trên, người cho vay có quyền nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự lên tòa án, yêu cầu cơ quan tố tụng buộc người vay phải trả tiền cho bạn hoặc gửi đơn tố cáo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp quận, huyện nơi người vay cư trú để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định nguồn chứng cứ bao gồm: Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử; Vật chứng; Lời khai của đương sự; Lời khai của người làm chứng; Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; Văn bản công chứng, chứng thực; Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

Đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.

Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.

Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Như vậy, những tin nhắn trao đổi qua Facebook, Zalo có thể được xem là một nguồn chứng cứ và dùng làm chứng cứ chứng minh tại tòa án. Ngoài ra, để đảm bảo tính pháp lý của chứng cứ này, người cho vay có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng.

Trong trường hợp cho vay tiền thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng thì có thể sử dụng giấy chuyển tiền hay sao kê tài khoản ngân hàng, xác nhận của ngân hàng để làm chứng cứ đòi lại tiền vay.

 

https://laodong.vn/ban-doc/tin-nhan-tren-facebook-zalo-co-duoc-coi-la-bang-chung-de-doi-no-886535.ldo

Theo Minh An (LĐO)

Có thể bạn quan tâm