Chính trị

Tin tức

Tinh giản biên chế: Quyết tâm hành động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, vấn đề tinh giản biên chế được xem là yếu tố cốt lõi để thực hiện cải cách hành chính và chính sách tiền lương.

Tinh giản biên chế là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đảng từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay. Mục đích của tinh giản biên chế là tạo ra bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, có chất lượng, thích ứng với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa của việc tinh giản biên chế không đơn thuần chỉ là giảm số lượng mà còn tinh lọc nhân sự, chọn ra con người có trình độ, năng lực phù hợp để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã xác định. Công việc này mang tính cách mạng, cần làm triệt để và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

 

Cán bộ chủ chốt khối doanh nghiệp tỉnh quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Ảnh: Thanh Nhật
Cán bộ chủ chốt khối doanh nghiệp tỉnh quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Ảnh: Thanh Nhật

Tuy nhiên, qua một thời gian dài triển khai với 4 lần thực hiện cải cách nhưng kết quả còn rất hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Theo Bộ Nội vụ, sau 10 năm thực hiện chính sách tinh giản biên chế (2003-2013), số lượng biên chế không giảm mà tăng thêm 20%. Còn trong 5 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (2007-2012), tổng số cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện tăng lên 42 ngàn biên chế; cán bộ, công chức cấp xã tăng hơn 14 ngàn biên chế. Hiện nay, có 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Diễn đàn Quốc hội cũng như dư luận xã hội đã nói rất nhiều đến con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc đang hưởng lương nhà nước, “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhưng không xử lý được. Điều đó cho thấy, chính sách tinh giản biên chế thời gian qua chưa thật sự giảm được người cần giảm, vẫn còn tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong mỗi cơ quan, tổ chức.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, đó là công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Cơ cấu tổ chức bộ máy chưa xác định rõ vị trí việc làm nên một nhiệm vụ có nhiều người cùng làm. Mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực chưa thích nghi và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Điều đáng nói là các tiêu chí đánh giá cán bộ chủ yếu định tính, thiếu định lượng, còn mang tính hình thức, chưa đánh giá đúng thực chất, khách quan, trung thực, rất khó xác định mức độ cụ thể cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản.

Mặt khác, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến. Nguyên nhân là vì tâm lý người lãnh đạo nào cũng muốn cơ quan mình ổn định, tinh giản sẽ có người làm việc, người nghỉ, sinh ra đố kỵ, ghen ghét, kiện cáo gây nên bầu không khí căng thẳng, nặng nề trong cơ quan. Bên cạnh đó, một số nơi quan niệm, công tác cán bộ thuộc quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan, làm nảy sinh tình trạng không công khai, thiếu minh bạch nên việc tuyển dụng đầu vào chưa đảm bảo tiêu chuẩn...

Do không tinh giản được biên chế nên quỹ lương mà ngân sách nhà nước phải chi trả ngày càng lớn. Chính sách cải cách tiền lương không thực hiện được. Lộ trình tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức phải chậm lại. Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, tinh giản biên chế lần này được Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng hàng đầu với quyết tâm chính trị cao và hành động với sự nỗ lực lớn, đối tượng tinh giản là những người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém.

Những giải pháp đột phá đề ra cho lần tinh giản này là: Huy động sự góp sức của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu và đổi mới phương pháp, chế độ làm việc... Chẳng hạn, hiện nay chúng ta làm việc theo phương thức một việc phân công nhiều người, tới đây, sẽ đổi mới một việc chỉ giao cho một người, những cơ quan có chức năng giống nhau sẽ hợp nhất về một đầu mối. Đặc biệt, trong quá trình triển khai tinh giản biên chế phải thực hiện phân cấp, phân quyền trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo, giảm đầu mối, gắn quyền được tuyển dụng với sử dụng lao động theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của Nhà nước, khuyến khích xã hội hóa và rành mạch công tư.

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có những giải pháp thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Theo đó, tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 11/20 sở, ngành, 16/17 huyện, thị xã, thành phố và 2/4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh có danh sách đối tượng tinh giản với tổng số 600 người. Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế do đây là công việc khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến lợi ích của mỗi cá nhân cho nên một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, còn nể nang trong chỉ đạo thực hiện; năng lực, trình độ, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu ở một số địa phương, đơn vị chưa cao...Theo nghị quyết của Tỉnh ủy, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tinh giản biên chế là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, làm lâu dài, triển khai từng bước hàng năm. Chắc chắn trong quá trình sáp nhập, tinh giản sẽ có những xáo trộn và gặp nhiều khó khăn vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người. Nhưng không phải vì khó, vì đụng chạm mà không làm. Chúng ta phải vì mục tiêu chung là đổi mới theo hướng hiện đại để phát triển đất nước. Với ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, những giải pháp thực hiện tinh giản biên chế lần này có sự hỗ trợ của giải pháp phòng-chống tham nhũng và thái độ giải quyết đến tận cùng tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn vào các cơ quan mà Đảng ta đang triển khai quyết liệt hiện nay, chắc chắn Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ đi vào cuộc sống.

Bùi Duy

Có thể bạn quan tâm