Sống trẻ - Sống đẹp

Tờ 500 nghìn đồng và 'món quà đầu xuân' của người khách lạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tham lam thêm ít tiền mà lòng nặng trĩu lo toan, ấy là bất hạnh. Trả lại của không phải của mình như buông bỏ "cục đá tảng" đè nặng cõi lòng, ấy là hạnh phúc. Đầu năm Mậu Tuất, tác giả Ngọc Hùng kể lại câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

 



Mồng 5 Tết, đất trời xứ Huế rợp nắng xuân vàng ươm rực rỡ. Lòng người phơi phới đón xuân sang cùng bao hương vị ngan ngát từ mai vàng, cúc trắng, lan tím… Lòng chúng tôi càng hưng phấn, rộn ràng hơn khi nhận được món quà đầu xuân quý giá từ một người… lạ.

Chúng tôi là "khách ruột" của quán bún nhỏ trước hiên nhà mỗi ngày. Hôm nay Tết, quán đông đúc hơn, náo nhiệt hơn hẳn. O bếp chính tuổi ngoài 50 với dáng người thấp bé luôn tay chan vá nước ngậy vị thịt, thơm mùi sả thấm đều từng sợi bún nhỏ.

 

"Cảm ơn người lạ tốt bụng đã cho chúng tôi một món quà đầu xuân rất ý nghĩa. Đó là món quà của niềm vui, sự tử tế giữa người và người"-Ngọc Hùng




Người chồng vui tính bưng bê từng tô bún hớn hở cười và pha trò cùng khách quen. Con gái và con dâu hối hả bỏ bún vào tô, xếp rau sống ra đĩa, rửa tô chén…

Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả về chủ đề Tết. Đám nhỏ chạy xum xoe quanh mấy chậu mai trong sân. Chút nữa thôi khi từng tô bún nóng hổi đặt đều trên bàn, chúng như đàn chim con ngoan ngoãn ngồi xếp hàng và "chiến đấu" với tô bún, bên tai là lời nhắc nhở của ba, mẹ: "Ăn đi con, bún ê chừ…".

Những chiếc xe máy tấp vào lề đường, người quen lẫn khách lạ tự nhiên kéo ghế ngồi gọi bún. Một người đàn ông trung niên bước thẳng đến chỗ o chủ quán, phe phẩy tờ năm trăm nghìn và bảo: "Trả chị này, hồi nãy chị thối nhầm tờ hai mươi nghìn thành năm trăm nghìn…".

Giọng nói trầm ấm ấy lập tức gây chú ý. Mọi người dừng đũa nhìn về phía người đàn ông tốt bụng. Nét mặt điềm tĩnh, ánh mắt ấm áp của chú làm mọi người thiện cảm vô cùng.

O chủ quán hấp tấp chùi vội bàn tay vào chiếc tạp dề trước bụng, cầm lấy tờ tiền mới cóng và luôn miệng "A di đà Phật, cảm ơn chú, may quá!".

Một tràng pháo tay giòn giã vang lên từ những vị khách ở hai dãy bàn. Bọn trẻ con chưa hiểu chuyện gì, ngơ ngác nhìn người lớn vỗ tay bôm bốp và xuýt xoa khen. Chỉ chờ có thế, chúng tôi giải thích cho con nghe về lòng tốt, tính trung thực, sự tự trọng…

Cảm ơn người lạ tốt bụng đã đem niềm vui lớn cho một gia đình mải mê bươn chải dịp Tết. Hụt mất bốn trăm tám mươi nghìn không đơn giản là nỗi buồn bâng quơ, tiếc hùi hụi của chủ quán mà còn là sự phân vân, mối nghi ngờ lẫn nhau giữa cha mẹ, con cái…

Năm trăm nghìn không phải là số tiền lớn với người này nhưng là tất cả tiền lãi sau khi hai nồi bún sạch trơn. Vợ, chồng, con, dâu người ta đã mướt mồ hôi từ bốn, năm giờ sáng đến tận xế trưa. Họ xứng đáng nhận số tiền ấy, công sức lao động của người ta ai nỡ lòng cướp?!

Tờ năm trăm nghìn ấy có thể sẽ nằm yên trong ví của người lạ chả ai biết, không ai hay. Nhưng lòng người liệu có thể an nhiên, tự tại, chẳng chút vướng bận, nghĩ suy không?

Tham lam thêm ít tiền mà lòng nặng trĩu lo toan, ấy là bất hạnh. Trả lại của không phải của mình như buông bỏ "cục đá tảng" đè nặng cõi lòng, ấy là hạnh phúc.

Ranh giới giữa bất hạnh và hạnh phúc đôi khi mong manh vô cùng. Giữ khư khư lòng tham hay thản nhiên xòe bàn tay cho đi, chính bạn sẽ quyết định "nhà" bạn là cõi địa ngục hoặc chốn thiên đường.

Cảm ơn nhé, món quà đầu xuân…

Thắm xuân, vạn vật đang đâm chồi sự sống.

Thắm tình người, lòng tôi đang "nảy lộc" một niềm tin mạnh mẽ về sự tử tế…

Ngọc Hùng (TTO)

Có thể bạn quan tâm