Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

“Tổ dân phố điện tử” : Tiện ích, văn minh, hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mô hình thí điểm “Tổ dân phố điện tử” do Thành Đoàn Pleiku triển khai tại tổ 1 (phường Yên Thế) và tổ 3 (phường Hội Thương) đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Mô hình này được xem là giải pháp giúp người dân thay đổi thói quen, từng bước tiếp cận với công nghệ để chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.

Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí

9 giờ sáng thứ bảy, thay vì đến trụ sở UBND phường Hội Thương, ông Trần Văn Hùng (số 39, đường Nguyễn Thái Học) đến hội trường tổ dân phố 3 để làm thủ tục hành chính (TTHC). Sau khi nắm bắt nhu cầu của ông Hùng, các thành viên trong “Tổ dân phố điện tử” đã tận tình hướng dẫn ông thực hiện từng bước kê khai TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau khi kê khai đầy đủ các bước và nhận được thông báo thực hiện thành công, ông Hùng chờ đến ngày hẹn trả kết quả thì mới cần có mặt tại UBND phường để nhận. “Tuổi già nên ngại đi xa. Tôi thấy mô hình “Tổ dân phố điện tử” rất hay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm các giấy tờ vào bất cứ thời gian nào, không cần đến trụ sở UBND phường để thực hiện các TTHC nữa”-ông Hùng chia sẻ.

Hoạt động từ tháng 9-2022 đến nay, “Tổ dân phố điện tử” ở phường Hội Thương đã hỗ trợ người dân thực hiện 66 TTHC liên quan đến giấy khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân, kết hôn, chứng thực trên môi trường điện tử… “Tổ dân phố điện tử” thường phục vụ ngoài giờ, nhưng các tình nguyện viên đều tận tình, trách nhiệm hướng dẫn. Ngoài thực hiện các TTHC, các thành viên trong tổ còn hướng dẫn người dân tìm hiểu về dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng Pleiku Smart và VNeID.

Anh Nguyễn Kim Quy (thứ 7 từ trái sang)-Phó Trưởng ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn tặng quà và động viên thanh niên tham gia thực hiện mô hình “Tổ dân phố điện tử” ở phường Hội Thương, TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài

Anh Nguyễn Kim Quy (thứ 7 từ trái sang)-Phó Trưởng ban Đoàn kết, tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn tặng quà và động viên thanh niên tham gia thực hiện mô hình “Tổ dân phố điện tử” ở phường Hội Thương, TP. Pleiku. Ảnh: Phan Lài

Tham gia mô hình “Tổ dân phố điện tử” có 6 thành viên. Trong đó, Tổ trưởng tổ dân phố 3 được giao đảm nhận nhiệm vụ Tổ trưởng “Tổ dân phố điện tử”; Phó Bí thư Đoàn phường làm Tổ phó; 3 thành viên là đoàn viên, thanh niên; 1 thành viên là cán bộ tư pháp-hộ tịch để tư vấn, hỗ trợ chuyên môn. Anh Trần Phương Bình-Phó Bí thư Đoàn phường Hội Thương-chia sẻ: “Chúng tôi thường hỗ trợ người dân thực hiện TTHC vào các ngày cuối tuần. Đồng thời, đoàn viên, thanh niên cũng tích cực tuyên truyền để người dân hiểu hơn về mô hình này”.

Tương tự, tổ dân phố 1 (phường Yên Thế) cũng được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình “Tổ dân phố điện tử” với 4 thành viên. Tổ dân phố 1 hiện có 534 hộ/2.462 khẩu. Ngoài “Tổ dân phố điện tử”, UBND phường Yên Thế đã thành lập tổ điều phối hoạt động của “Tổ dân phố điện tử” với 4 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND phường làm Tổ trưởng. Vào những ngày cuối tuần, đoàn viên, thanh niên đến từng hộ để tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện các TTHC ngay tại nhà. Từ khi triển khai thí điểm đến nay, “Tổ dân phố điện tử” ở phường Yên Thế đã hỗ trợ người dân thực hiện 119 TTHC.

Vừa được các tình nguyện viên hỗ trợ hoàn thành thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, chị Nguyễn Thị Kim Lên (40/8 Lê Quang Định, phường Yên Thế) khá bất ngờ vì có thể làm TTHC tại nhà chỉ sau vài thao tác đơn giản, giảm bớt thời gian đi lại. Chị Lên cho biết: “Trước đây, người dân muốn làm TTHC phải đến UBND phường trong giờ hành chính để nộp hồ sơ, kê khai giấy tờ, rồi lại đến nhận kết quả. Từ khi có “Tổ dân phố điện tử” ở ngay khu dân cư, người dân có thể tự mình thực hiện các thao tác dịch vụ công trực tuyến ngay tại nhà. Đặc biệt, người dân có thể nộp bất cứ lúc nào, kể cả thứ bảy, chủ nhật và chỉ cần 1 lần đến trụ sở UBND phường nhận kết quả. Theo tôi, đây là một mô hình rất tiện ích và cần được nhân rộng trong thời gian tới”.

Từng bước xây dựng “công dân điện tử”

“Tổ dân phố điện tử” là mô hình thí điểm được Thành Đoàn Pleiku triển khai nhằm giới thiệu, cung cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay tại khu dân cư, giảm thiểu áp lực thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa. Anh Hồ Đức Công-Bí thư Đoàn phường Yên Thế-cho biết: “Trước đây, người dân muốn làm thủ tục phải lên phường ít nhất là 2 lần để thực hiện nộp hồ sơ và lấy kết quả. Nhưng giờ chỉ cần 1 lần đi lên phường lấy kết quả. Khi bắt đầu triển khai thí điểm, Đoàn phường đã lồng ghép tuyên truyền mô hình vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, tổ dân phố. Bước đầu, Đoàn phường đã giúp người dân làm quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến”.

Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) hướng dẫn ông Trần Văn Hùng (thứ 2 từ phải qua) các thao tác thực hiện thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh. Ảnh Phan Lài

Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) hướng dẫn ông Trần Văn Hùng (thứ 2 từ phải qua) các thao tác thực hiện thủ tục hành chính trên điện thoại thông minh. Ảnh Phan Lài

Trước khi triển khai thực hiện thí điểm mô hình, Thành Đoàn Pleiku đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố tổ chức 5 buổi tập huấn kỹ năng cho các bí thư, phó bí thư Đoàn và đoàn viên, thanh niên các xã, phường; công chức tư pháp-hộ tịch. Các tổ chức Đoàn cũng tổ chức 55 hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện” giải quyết TTHC dịch vụ công mức độ 3, 4 cho 800 người dân, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, Pleiku Smart. Đặc biệt, 2 đơn vị được lựa chọn thí điểm mô hình đã tăng cường tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử, mạng xã hội Zalo và Facebook, tuyên truyền qua loa truyền thanh.

Sau hơn 5 tháng triển khai thí điểm, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực hiện xây dựng chính quyền điện tử ở các địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn gặp những khó khăn như: trang-thiết bị còn thiếu, chưa có kinh phí hỗ trợ cho “Tổ dân phố điện tử”; người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin; tâm lý và thói quen của người dân là muốn đến nộp trực tiếp để bảo mật thông tin...

Bà Lưu Thị Kim Chi-Phó Chủ tịch UBND phường Hội Thương-cho hay: Việc triển khai mô hình “Tổ dân phố điện tử” nhằm mục tiêu chính là tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” giúp người dân tiếp cận, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngay tại khu dân cư. Để khắc phục những khó khăn trên, UBND phường đã chỉ đạo các ban, hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố; niêm yết tại bảng thông báo của tổ dân phố; phát tờ rơi hướng dẫn quy trình sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 đến người dân. Chúng tôi xác định mô hình này là cầu nối để đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến với người dân nên đã có kế hoạch và lộ trình cụ thể. Sắp tới, phường sẽ đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ trang-thiết bị để “Tổ dân phố điện tử” hoạt động hiệu quả hơn.

Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng và tuyên truyền về mô hình “Tổ dân phố điện tử”. Ảnh: Phan Lài

Đoàn viên, thanh niên phường Hội Thương (TP. Pleiku) hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng và tuyên truyền về mô hình “Tổ dân phố điện tử”. Ảnh: Phan Lài

Nhằm khắc phục những khó khăn trong thực hiện mô hình “Tổ dân phố điện tử”, gia tăng mức độ tham gia dịch vụ công trực tuyến của người dân, Thành Đoàn Pleiku đã đề ra nhiều giải pháp như: phối hợp với Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền với phương châm “Trong làm trước, ngoài làm sau”, “Cán bộ, đoàn viên, thanh niên làm trước, Nhân dân làm sau”; xây dựng mô hình “Tổ dân phố điện tử lưu động” đến các khu dân cư tập trung đông người; đề xuất thành phố xem xét bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trang-thiết bị.

Trao đổi với P.V, anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-thông tin: Mô hình “Tổ dân phố điện tử” là cầu nối để tiến tới hình thành “công dân điện tử”, “chính quyền điện tử”, tạo sự thân thiện giữa người dân và chính quyền, góp phần giảm thời gian, công sức, chi phí cho tổ chức, công dân khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Để mô hình “Tổ dân phố điện tử” đạt kết quả cao hơn cần có sự đồng lòng, chung sức của tất cả người dân.

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku: Sau 6 tháng thực hiện thí điểm, Thành Đoàn sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai đồng bộ mô hình “Tổ dân phố điện tử” trên toàn thành phố. Ngoài triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Tổ dân phố điện tử” tại tổ 1 (phường Yên Thế) và tổ 3 (phường Hội Thương), Thành Đoàn đã chỉ đạo 22 Đoàn xã, phường đưa tiêu chí thành lập mô hình “Tổ dân phố điện tử” vào chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2022-2027 với mục tiêu xây dựng TP. Pleiku ngày một văn minh, hiện đại.

Có thể bạn quan tâm