Xã hội

Đời sống

Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu ở Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là mô hình thí điểm của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), sau gần 2 năm hoạt động, Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 (xã Đông) đã đạt được hiệu quả nhất định khi tham gia xử lý ổn thỏa những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng.

Mỗi khi say xỉn, ông N.V.Kh. thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ là bà N.T.Th. Sau khi đến tìm hiểu, các thành viên Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 nắm được nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn từ việc ông Kh. mỗi khi đi nhậu về bị vợ cằn nhằn, khiến ông bực tức dẫn đến không làm chủ hành vi. Qua phân tích, ông Kh. cam kết hạn chế uống rượu, bà Th. cũng hứa sẽ chọn lúc chồng tỉnh táo mới lựa lời khuyên bảo.

Trường hợp khác là bà N.T.H. và ông T.Tr. xích mích với nhau về ranh giới đất. Nắm được thông tin, Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 tiến hành phân tích để 2 bên xóa bỏ hiềm khích. Theo đó, ông Tr. cam kết nếu việc múc ao sát đất nhà bà H. gây ra sạt lở thì ông sẽ chịu trách nhiệm và khắc phục như hiện trạng ban đầu.

Lễ ra mắt mô hình Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 (xã Đông, huyện Kbang). Ảnh: M.P

Chỉ vì 3 cây mía mà gia đình bà Đ. và ông M. suýt nữa mất đi tình làng, nghĩa xóm. Ông M. cho rằng mía của nhà bà Đ. ngả qua đất nhà mình nên ông mới chặt. Còn bà Đ. không phải vì mấy cây mía bị chặt mà là do thái độ của ông M. khiến bà khó chịu nên dẫn đến hàng xóm lúc nào cũng “mặt nặng mày nhẹ” với nhau.

Nhờ có sự vào cuộc của Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 mà mâu thuẫn được giải quyết. Bà Đ. cam kết sau này sẽ trồng cây xa hàng rào để không đổ qua nhà hàng xóm. Ông M. cũng hứa khi xảy ra vụ việc sẽ không xử lý hấp tấp, vội vàng.

“Nghe hòa giải viên phân tích, chúng tôi ai cũng nhận ra phần lỗi của mình và cam kết nếu phát sinh mâu thuẫn sẽ ngồi lại với nhau trên tinh thần tình cảm láng giềng để xóa bỏ mọi hiềm khích, không to tiếng cãi nhau”-bà Đ. cho hay.

Bà Huỳnh Thị Thùy Linh-Thành viên Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4-chia sẻ: Các mâu thuẫn phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bạo lực gia đình, mâu thuẫn gia đình, tranh cãi về việc lấn chiếm ranh giới đất, môi trường. Tổ hòa giải cũng dựa trên tình làng nghĩa xóm để giải quyết những nội dung phản ánh, đồng thời phân tích đúng sai, hợp tình hợp lý để tuyên truyền, vận động các hộ xóa bỏ mâu thuẫn.

“Từ khi thành lập Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4, chúng tôi nhận nhiều phản ánh hơn nhưng đều giải quyết rốt ráo ngay từ cơ sở, không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Tính chất từng vụ việc không giống nhau, trình độ, nhận thức của các bên mâu thuẫn cũng không như nhau nên người hòa giải phải linh hoạt, khéo léo khi tiếp cận vụ việc, đặc biệt phát huy vai trò để tuyên truyền pháp luật mọi lúc mọi nơi”-bà Linh nêu giải pháp.

Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 (xã Đông, huyện Kbang) tổ chức hòa giải, xóa bỏ những mẫu thuẫn phát sinh tại cộng đồng dân cư. Ảnh: M.P

Trong khi đó, bà Đinh Thị Đách-Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4-cho biết: Hiện tổ có 7 hòa giải viên, đều là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Đáng chú ý, các hòa giải viên đều tích cực nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đồng thời tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND xã Đông-thông tin: Sau gần 2 năm hoạt động, Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn 4 đã góp phần giải quyết các vụ việc phát sinh mâu thuẫn. Từ kết quả thực tế, thời gian tới, xã sẽ nhân rộng mô hình, qua đó góp phần hóa giải những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện, đơn thư vượt cấp, giữ vững sự ổn định về an ninh trật tự, giữ gìn sự đoàn kết và tình làng, nghĩa xóm ở cộng đồng dân cư.

Có thể bạn quan tâm