Phóng sự - Ký sự

Để đạo gắn với đời - Kỳ 1: Muôn cách sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đạo Phật được biết tới là tôn giáo của từ bi, lòng nhân ái và tính hướng thiện.

Trong quá trình hình thành và phát triển, đạo Phật đã chứng minh giáo lý vì cuộc sống của con người và cho chính hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Trong thực hành giáo lý và cuộc sống, đạo Phật luôn đề cao tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian pháp” - đạo Phật và đời luôn gắn liền nhau. Và thực tế là, lẫn trong cuộc sống muôn màu, đạo lý của bất kỳ giáo lý nào cũng đều không thể tách rời ra khỏi đời sống xã hội…

de-dao-gan.jpg
Người dân đến khám bệnh miễn phí tại chùa Phước Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).

Không chỉ là nơi tu tập, thực hành các nghi lễ tôn giáo hoặc tổ chức hoạt động cộng đồng, chương trình thuyết pháp, suốt bao năm nay, nhiều ngôi chùa tại Thành phố Hồ Chí Minh âm thầm triển khai chương trình đồng hành cùng người yếu thế. Suất ăn nghĩa tình, phòng khám miễn phí, siêu thị “0 đồng” hay lo mai táng cho các mảnh đời khó khăn… mỗi nơi một cách, tạo thành muôn kiểu sẻ chia.

Phòng khám “0 đồng”

Chiều thứ bảy, phòng khám Đông y tại chùa Phước Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) tấp nập người vào ra. Trong gian nhà lớn, nhiều dãy ghế được xếp ngay ngắn, đối diện là 10 bàn bắt mạch, khám bệnh do sư cô Thích Nữ Phước Tín cùng các lương y, bác sĩ là tình nguyện viên của phòng khám phụ trách. Người bệnh tay cầm sổ, khẽ khàng hỏi thăm, động viên nhau trong lúc đợi gọi tên. Sau khi bắt mạch, hỏi thăm các triệu chứng của người bệnh, sư cô Phước Tín chẩn đoán bệnh, dặn dò mọi thứ trước khi kê đơn thuốc, hẹn tuần sau tái khám. Cầm túi thuốc trên tay, bà Nguyễn Thị Tiên (56 tuổi, nhà ở quận Bình Tân) thở phào nhẹ nhõm, nói như khoe: “May quá, mới ba đợt khám mà chân tôi đỡ đau hẳn, khớp gối cũng cải thiện, giờ lên cầu thang không nhói nữa. Sư cô nói chịu khó tập tành, uống thêm vài tuần thuốc sẽ khỏe hơn. Nhờ bạn bè giới thiệu tôi mới biết phòng khám này. Mọi thứ đều miễn phí nhưng chỉn chu, nhiệt tình quá”.

Hơn 1 giờ chiều, khi người bệnh chưa đến, kho thuốc của chùa Phước Thạnh đã đi vào hoạt động. Thủ kho Chung Văn Hạnh đi một vòng kiểm tra số lượng thuốc tại các kệ trước khi đến từng bàn xem mọi người phân loại và gói thuốc. Gần chục năm nay, ông Hạnh gắn bó với kho thuốc này dù chẳng được trả công. Sư cô hướng dẫn ông cách nhận biết từng loại thuốc, cây nào có công dụng gì. Ban đầu chẳng nhớ nổi, ông hơi bối rối nhưng tầm vài tuần, mọi thứ đâu vào đấy. Kho chứa khoảng 60 vị thuốc với số lượng vài tấn nhưng túi nào nằm đâu, còn nhiều hay sắp hết, ông đều nhớ rõ để lên kế hoạch bổ sung kịp thời. Các tình nguyện viên khác chỉ đến vào cuối tuần còn ông ngày nào cũng vài tiếng trong kho, sắp túi này, soạn túi kia.

Sư cô Phước Tín kể, việc khám bệnh và phát thuốc miễn phí được chùa thực hiện từ năm 2009 đến nay. Ban đầu một mình sư cô phụ trách, mỗi tuần khám vài chục người. Chùa có mảnh đất trống ở Hóc Môn, sư cô cùng Phật tử chung tay trồng hàng chục loại thuốc, tự cắt phơi, xử lý rồi chia theo toa tặng người cần. Về sau, số lượng người bệnh tăng đột biến, không kham nổi mọi việc, sư cô nhờ thêm tình nguyện viên về chùa khám bệnh. Dù chẳng treo bảng hiệu hay giới thiệu thông tin trên các kênh nhưng tuần nào cũng vài trăm người đến khám. Cả tòa nhà lớn, ngày thường chùa tổ chức các lớp giáo lý, khóa tu cho người dân, cuối tuần trở thành phòng khám, nơi gói và cấp thuốc nam miễn phí. “Ban đầu tôi đi học về thuốc là để chữa bệnh cho sư bà và giúp vài trường hợp đặc biệt tìm đến chùa. Nhưng càng làm, càng thấy nhu cầu của mọi người rất lớn. Có hôm đến giờ tụng kinh tối mà vẫn rất đông người bệnh đợi, tôi không nỡ rời đi, cứ cố cho xong. Từ làm một mình rồi vài người phụ, giờ phòng khám có đến 60 tình nguyện viên mà vẫn tất bật. Cả vườn thuốc hơn 6.000 m2 nhưng chẳng thấm vào đâu, chùa phải mua thêm rất nhiều. Bao nhiêu tiền cúng dường, chúng tôi tập trung cho phòng khám này, mong bà con khỏe mạnh”, sư cô Phước Tín chia sẻ.

Tới chùa dùng bữa

Suốt 32 năm nay, đều đặn sáng thứ ba và thứ sáu hằng tuần, các cụ già neo đơn tại Phường 7, Quận 6 lại rủ nhau đến chùa Thiên Khánh dùng điểm tâm miễn phí. Cụ nào ốm đau hay bất tiện trong việc di chuyển, suất ăn nóng hổi sẽ được tình nguyện viên đưa về tận cửa. Thời gian đầu chùa chăm lo cho mười mấy cụ, sau tăng dần lên gần 50 cụ, tình nguyện viên vì thế cũng tăng thêm. Hàng xóm thấy chùa nấu ăn cho người già, ai rảnh đều tranh thủ qua phụ. “Chương trình không lớn nhưng đây là tâm huyết của sư phụ tôi mấy chục năm liền, tôi về đây tiếp quản chùa khoảng ba năm nay, khó cỡ nào cũng cố gắng duy trì, phát triển. Bữa ăn giá trị không cao nhưng tạo thêm cơ hội để các cụ già neo đơn được gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Thành nếp rồi, sáng nào có các cụ ghé thăm là rộn ràng, nhộn nhịp lắm, ai cũng vui”, Đại đức Thích Minh Thạnh, Trụ trì chùa Thiên Khánh cho hay.

Bên cạnh chương trình cho cụ già neo đơn, biết chung quanh chùa tập trung nhiều lao động tự do, vào các ngày 14, 15, 30 và mồng 1 (âm lịch) hằng tháng, chùa Thiên Khánh đều nấu cơm chay mời mọi người dùng bữa. Từ vài trăm suất mỗi tháng, về sau có thêm phật tử, nhà hảo tâm đồng hành, số suất ăn nghĩa tình tăng gấp 5, 6 lần. Những ngày rằm lớn, chùa mở rộng cửa mời mọi người đến ăn cơm cả ngày rồi cùng nhau nghe thuyết pháp, tham gia hoạt động cộng đồng. Nhiều phật tử muốn làm thiện nguyện, gõ cửa chùa hỏi thăm nơi cần, Đại đức Thích Minh Thạnh thường mách nhỏ “Người nghèo nơi nào cũng có. Suất ăn ai cũng cần. Nhưng nếu có thể, chúng ta hãy đến với bệnh nhân ung thư. Họ cần giúp đủ thứ”. Phật tử người góp của, người góp công, mỗi tuần, chùa Thiên Khánh có ba, bốn đợt tặng cơm tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 2).

Gần hai năm nay, chùa Hạnh Nguyện (quận Tân Phú) cũng duy trì suất buffet chay cho tất cả mọi người vào ngày rằm hằng tháng. Bữa tiệc “0 đồng” này được chuẩn bị từ sáng sớm với vài chục món ăn chất lượng, đẹp mắt. Để mọi thứ sẵn sàng vào lúc 11 giờ trưa, tình nguyện viên của bếp ăn đặc biệt này phải có mặt từ tờ mờ sáng và quay về vào chiều muộn sau khi dọn dẹp xong xuôi. Mỗi lần chùa mở tiệc chay, người dân đến thưởng thức rất đông nhưng nhờ cách tổ chức khoa học, mọi việc rất trôi chảy. Trước khi dùng bữa, mọi người có khoảng 15 phút nghe thuyết pháp. Đại đức Thích Nguyên Thanh sẽ nói về ý nghĩa của việc ăn chay, về lòng từ bi trong cuộc sống và những điều mọi người nên làm để hạn chế sát sinh, giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Trụ trì chùa Hạnh Nguyện muốn mọi người thấy được ý nghĩa từ hành động tưởng chừng rất nhỏ: Đến chùa dùng bữa cơm chay, cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp. Ông tin, khi thấy việc mình làm có ích cho bản thân và cộng đồng, ai cũng vui vẻ tiếp tục trong khả năng. Từ những lần gặp gỡ như thế, nhiều người thành thân, lên kế hoạch tổ chức các chương trình thiện nguyện giúp đời.

Lo đến chặng cuối cùng

Năm 1998, nhìn thấy chung quanh có nhiều người khó khăn đến mức ngay cả khi gia đình có hậu sự, xoay đủ cách vẫn chẳng thể chu toàn, chùa Hạnh Nguyện thành lập Hội Tương tế. Vào hội, mỗi tháng một người sẽ góp 10.000 đồng. Tiền quỹ sẽ được ứng ra để lo chi phí mua hòm và ma chay cho hội viên vừa qua đời. Giai đoạn đầu, phí trợ táng cho mỗi gia đình là 5 triệu đồng. Hiện tại, số tiền này đã tăng thành 12 triệu đồng/trường hợp. Phía nhà chùa sẽ hỗ trợ miễn phí các nghi thức cúng lễ. Mới đầu, nghe đến mô hình chung tiền tự lo cho hậu sự của chính mình và người thân, nhiều người e ngại. Nhưng chỉ sau vài tháng, số hội viên Hội Tương tế tại chùa Hạnh Nguyện tăng mạnh. Hiện nay, hội có hơn 7.000 thành viên, phần đông là người khó khăn. Họ nói, đây là cách thiết thực nhất giúp bản thân an tâm khi nằm xuống. Nhiều người sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, người thân nếu chẳng may ra đi đột ngột. Với họ, tiền lo hậu sự là khoản lớn, chắt chiu sao cho đủ khi miếng cơm mỗi ngày còn chật vật chưa xong.

Đại đức Thích Nguyên Thanh cho biết, chẳng phải người già mới tham gia Hội Tương tế mà rất nhiều người trẻ góp tiền. Có những trường hợp khá giả, khi nhà có hậu sự lại nhường cho người khó hơn. Chính việc “nghĩ cho người khác” giúp cho mô hình này ngày càng ý nghĩa. “Nói là lập Hội Tương tế để mọi người đỡ đần nhau khi có chuyện buồn nhưng với những trường hợp đặc biệt, nhà chùa đều sẵn lòng giúp đỡ. Ai chẳng muốn lo cho người thân của mình một đám ma đủ đầy, ấm cúng nhưng nếu không có cách thì biết sao đây. Với những trường hợp không phải thành viên Hội Tương tế nhưng thật sự ngặt nghèo, chùa sẽ xác minh thực tế và lên phương án hỗ trợ kịp thời. Chùa tặng suất ăn, phần gạo cho người sống thì với người đã khuất có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi tìm cách hỗ trợ họ tiếp chặng đường còn lại sao cho đỡ quạnh hiu”, trụ trì chùa Hạnh Nguyện cho biết thêm.

Dịp cuối năm, phần sảnh hơn 70 m2 của chùa Thiên Khánh bày trí đủ kệ lớn nhỏ, phủ đầy các mặt hàng nhu yếu phẩm. Ngày siêu thị “0 đồng” mở cửa, thấy bà con cầm phiếu xếp hàng đợi đến lượt vào chọn hàng đem về đón Tết, Đại đức Thích Minh Thạnh cười tươi, dặn dò: “Mọi người hãy lấy những gì bản thân thật sự cần. Còn lại, để phần người kế tiếp”. Khách quay trở ra, trên tay là túi quà với vài món đồ cần thiết cho đời sống, ai cũng cười tươi, cúi đầu cảm ơn. Với người nghèo, siêu thị này là món quà đáng mong đợi mỗi khi Tết đến, xuân về.

(Còn nữa)

Theo MỸ DUNG - TÂM HIẾU (NDO)

Có thể bạn quan tâm