Xã hội

Tổ hợp tác may gia công xã Ia Băng tạo việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 6-2020, Tổ hợp tác may gia công xã Ia Băng (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) được thành lập. Sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ đã phát huy hiệu quả khi tăng cả về số lượng thành viên lẫn thu nhập.
Lúc mới thành lập, Tổ chỉ có 5 thành viên là những thợ may đo có kinh nghiệm ở thôn 5. Tuy nhiên, do không thể cạnh tranh với các nhãn hàng thời trang may sẵn nên các tiệm may dần thưa vắng khách. Không bám trụ được với nghề nhưng cũng không muốn bỏ nghề, một số chị bàn nhau chuyển sang nhận may gia công. “May đo và may gia công không giống nhau. May đo mình lên ý tưởng và chủ động từ việc đo, cắt vải đến hoàn thiện sản phẩm. Còn nhận hàng gia công, họ cắt sẵn hết, mình chỉ việc ráp lại. Ngày đầu không quen, mỗi người ráp không xong 1 bộ đồ, trong khi tiền công chỉ 10 ngàn đồng/bộ”-chị Nguyễn Thị Thanh Trâm chia sẻ.
 Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (ngồi) trao đổi về các chi tiết trong sản phẩm gia công với Chủ nhiệm Tổ hợp tác. Ảnh: Anh Huy
Chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (ngồi) trao đổi về các chi tiết trong sản phẩm gia công với Chủ nhiệm Tổ hợp tác. Ảnh: Anh Huy
Thế nhưng, khi các chị đã quen việc may gia công hàng chợ thì nguồn hàng lại không ổn định, sản phẩm không phong phú, thu nhập bấp bênh. Lúc này, thông qua mạng xã hội, chị Trần Thị Hoài-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5, kiêm Chủ nhiệm Tổ hợp tác đã kết nối, tìm kiếm được nguồn hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng từ TP. Hồ Chí Minh. Tự tin về đội ngũ có tay nghề vững, nhiều năm kinh nghiệm nên tổ mạnh dạn đăng ký nhận gia công hàng thiết kế như: váy, vest… “Tiền công cho mỗi sản phẩm cũng cao hơn. Bình quân 25-30 ngàn đồng/sản phẩm, thậm chí một số váy, áo có chi tiết cầu kỳ, tỉ mỉ, tiền công lên đến 50 ngàn đồng/sản phẩm”-chị Hoài cho hay.
Từ chỗ chỉ có 5 thành viên, đến nay, Tổ hợp tác đã tăng lên 17 người. Họ đa phần là những phụ nữ có con nhỏ, không có việc làm ổn định. Sau khi tham gia Tổ hợp tác, các chị còn được học nghề miễn phí, có việc làm, từng bước cải thiện cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thống phấn khởi nói: “Con còn nhỏ nên trước nay tôi chỉ quanh quẩn ở nhà làm vài sào cà phê và chăm sóc, đưa đón các cháu đến trường. Khi biết Tổ hợp tác tuyển thêm người, tôi mạnh dạn đăng ký. Từ chỗ vừa học vừa làm chỉ có vài chục ngàn đồng/ngày, giờ thu nhập bình quân dao động 5-6 triệu đồng/tháng. Thỉnh thoảng, tôi còn nhận làm thêm khuy áo vào buổi tối”.
Chị Hoài bên sản phẩm do các thành viên trong tổ nhận gia công. Ảnh: Anh Huy
Chị Trần Thị Hoài bên sản phẩm do các thành viên trong tổ nhận gia công. Ảnh: Anh Huy
Vừa có việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập, các thành viên Tổ hợp tác càng thêm phấn khởi vì không bị bó buộc thời gian, vẫn có thể chăm sóc con cái, gia đình. “Buổi sáng, các chị chuẩn bị cho con cái đến trường, sau đó, đến xưởng để may gia công. Trưa, chiều đều có thể tranh thủ làm thêm. Giai đoạn hàng không gấp, các chị tranh thủ làm vườn. Một số chị có thể nhận hàng về nhà để tranh thủ lúc rảnh rỗi thì làm, nhưng thường tập trung làm tại xưởng vì có đủ máy móc, hỗ trợ lẫn nhau công đoạn khó”-chị Hoài thông tin. Cứ thế, người đi trước dìu dắt người đi sau, đến nay, các thành viên trong Tổ đều đã đảm nhận được các công đoạn lắp ráp cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Vào tháng Tết, hàng nhiều, thu nhập của chị em tăng lên 7-8 triệu đồng/người.
Ông Lê Văn Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng: Bước đầu, Tổ hợp tác may gia công đã thu hút khá đông thành viên tham gia. Các thành viên hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao tay nghề, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống. Ngoài duy trì, phát triển nghề may mặc, Tổ còn góp phần giải quyết bài toán lao động tại địa phương.
Chủ nhiệm Tổ hợp tác cho biết: Cứ 3-5 ngày, Tổ giao-nhận đơn hàng 1 lần. Trước đó, cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh gửi ảnh mẫu, thành viên phụ trách khâu kỹ thuật xem xét sản phẩm có bao nhiêu chi tiết, gồm những công đoạn gì, có nhận được hay không. Sau khi thống nhất thỏa thuận nhận đơn hàng, mỗi thành viên sẽ được phân công từng khâu phù hợp với trình độ tay nghề và người sau cùng đảm nhận khâu hoàn thiện sản phẩm. Bình quân, mỗi ngày, Tổ hoàn thành 100-150 sản phẩm. Ngoài may gia công, Tổ còn nhận cắt may đồng phục cho các doanh nghiệp, trường học theo đơn đặt hàng.
Nói về giai đoạn khó khăn hiện tại, chị Hoài chia sẻ: “Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Tổ chủ động nguồn hàng để các thành viên đều có việc làm. Tuy nhiên, 2 tháng nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương tiện không lưu thông được nên hàng hóa cũng bị tắc nghẽn, công việc cũng không có nhiều. Chúng tôi đang cố gắng tìm thêm đối tác, nguồn hàng giúp chị em duy trì việc làm, ổn định thu nhập”. 
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm