TN - Đất & Người

Tơ Tung xứng đáng với quá khứ hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ai cũng biết xã Nam (huyện Kbang) là quê hương anh hùng Núp, biểu tượng tập hợp đoàn kết các dân tộc Tây nguyên một lòng theo Đảng, theo Bok Hồ đánh đuổi  kẻ thù đến ngày thắng lợi. Nhưng không chỉ có quá khứ, làng Stơr (làng Kông Hoa trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc), xã Tơ Tung ngày nay đã chuyển mình vươn lên mạnh  mẽ.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững

    
Sáng mát trong nên Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Trần Xuân Nam có phần hứng khởi, dù xã đang bận rộn chỉ đạo thu hoạch vụ đông xuân và triển khai vụ mùa. Anh cho biết: với vụ đông xuân vừa rồi, Tơ Tung có trên 100 ha, vượt chỉ tiêu về diện tích nhưng do nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng khiến năng suất thấp, bình quân chỉ khoảng 41 tạ/ha. Đủ hiểu, thực tế sản xuất đông xuân của xã còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đây là vụ sản xuất có tính chất xóa nạn đói giáp hạt, ổn định trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: Thất Sơn

Liên quan, tôi nhớ đến công trình có tính chất biểu tượng của cả vùng phía Đông tỉnh chứ không riêng Kbang. Đó là thủy lợi Đê Ba xây dựng sau giải phóng năm 1975 không lâu. Chọn xã Nam quê hương anh hùng Nup triển khai công trình thủy lợi Đê Ba để hướng dẫn bà con làm lúa nước, xóa bỏ tình trạng đói giáp hạt, chấm dứt nạn du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, sau đó nhân rộng ra là quyết định mang nhiều ý nghĩa. Cả một vùng rừng núi vốn tĩnh mịch bỗng nhiên bị đánh thức bởi tiếng người, tiếng máy móc. Và rồi con đập dần hình thành, cánh đồng khai hoang ngày càng mở rộng. Ngày nay, năng lực tưới của thủy lợi này chẳng “thấm tháp” gì nhưng lúc đó, là cả một “công trình” với nhiều mong muốn ký thác.

Để phát triển sản xuất bền vững, Tơ Tung không chỉ có thủy lợi Đê Ba. Nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa nước xuất hiện cùng với việc chú trọng đưa các giống cây-con mới vào sản xuất, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, xây dựng và trình diễn các mô hình, lồng ghép các chương trình, dự án, khiến cho sản xuất nông nghiệp của xã chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, Tơ Tung có tổng diện tích gieo trồng 3.282 ha, trong đó lúa đông xuân gần 100 ha, lúa nước vụ mùa 261 ha, lúa cạn 40 ha, bắp 396 ha, mì 95,5 ha, đậu các loại 227 ha, mía 2.051 ha, cùng với tổng đàn gia súc trên 5.700 con (chủ yếu là trâu, bò) và  trên 15.600 con gia cầm. Từ một xã lạc hậu, Tơ Tung đã tiến một bước dài trên đường phát triển, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã lần thứ VIII (2011-2015), Tơ Tung đã đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế có bước phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2015 đạt 16 triệu đồng/năm, vượt 33,3% so với nghị quyết đề ra; văn hóa-y tế-giáo dục có nhiều tiến bộ; công tác xóa đói giảm nghèo hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 giảm còn 30%; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đúng mức; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Văn hóa là mục tiêu, động lực của sự phát triển

 

Những mái nhà sàn vẫn còn tồn tại nhiều ở làng Stơr.

Hơn ai hết, người Bahnar Tơ Tung có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, tự hào khi có người anh hùng-cánh chim đầu đàn của các dân tộc Tây nguyên-anh hùng Núp. Kể từ năm 1993, làng Stơr được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa. Để giáo dục truyền thống, ngày 19-5-2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 246/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu lưu niệm Anh hùng Núp 5,25 ha tại trung tâm làng Stơr với 16 hạng mục công trình, tổng kinh phí 19 tỷ đồng.

Nói về dự án này, Grối và Tường-2 nhân viên phục vụ tại Nhà lưu niệm bok Núp cho biết: việc phục dựng làng kháng chiến cũ gồm nhà rông, 7 bếp (lúc làng Stơr mới hình thành, sau là 12), sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo, nhà văn Nguyên Ngọc-tác giả “Đất nước đứng lên” đã được tiến hành. Đến nay, dự án đã triển khai thực hiện 5 bếp (có nhà kho và chuồng gà đi kèm) và vẫn còn thiếu 2 bếp (2 nhà kho và 2 chuồng gà). Đường đi lại (từ dưới lên), bể nước, rừng cây, suối nhân tạo (có suối mới phục dựng được đàn t’rưng nước, bẫy đá, hầm chông, mang cung…) cũng chưa thể triển khai. Hy vọng, các phần việc tiếp theo sớm được bố trí vốn để hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Hiện bình quân mỗi tháng có khoảng 200 khách đến tham quan Stơr.  

Thực ra, truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng vẻ vang của Stơr, đã được quan tâm phát huy, phát triển liên tục, xuyên suốt cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. “Stơr là làng văn hóa kiểu mẫu. Tơ Tung bây giờ khác xưa lắm rồi. Từ cổng chào đến đường sá, nhà cửa, công trình, đồng ruộng… cái gì cũng to đẹp, khang trang”-bok Yôm hào hứng trò chuyện khi chúng tôi đến thăm nhà. Bok là cháu gọi bok Nup bằng cậu, trước đi du kích.Tìm đến Stơr hỏi chuyện xưa, người như bok Yôm bây giờ không còn nhiều. Bất giác, mắt tôi hướng về núi Tờ Gu xa xa, nơi có làng kháng chiến cũ (cách làng hiện nay 7 km), bồi hồi nhớ về tháng năm xưa, cái thời bà con 9 năm 10 lần dời làng đánh giặc, ăn tro tranh thay muối, lấy vỏ cây kơ đôn làm khố…

Cũng với Phó Chủ tịch UBND xã Trần Xuân Nam, các lễ hội, nghệ thuật, nghề truyền thống luôn được duy trì như nghề: đan lát, dệt thổ cẩm, nghệ thuật cồng chiêng, tạc tượng. Các đội cồng chiêng làng Len, Stơr, Đê Ba chơi rất hay, tham gia nhiều hội thi, liên hoan huyện, tỉnh và mỗi khi xã có hoạt động hay sự kiện gì. Bên cạnh đó, phong trào thể dục thể thao, các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo triển khai rộng khắp, được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Toàn xã có 760 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm 62,34% và tổng số làng văn hóa là 12, chiếm 75%...

Chưa phải là tất cả nhưng không thể phủ nhận rằng Stơr nói riêng và Tơ Tung nói chung đã thực sự chuyển mình. Và chính người Bahnar nơi đây cùng với các dân tộc anh em là chủ nhân của di sản quý giá, tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trên quê hương thân yêu.

 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm