Chính trị

Tin tức

Tọa đàm Hội đồng Hiến pháp trong sửa đổi Hiến pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp tục tập hợp, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau Kỳ họp thứ 5, ngày 17-8, tại Hà Nội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về Hội đồng Hiến pháp trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với sự tham dự của nhiều chuyên gia khoa học pháp lý trong nước.
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chủ trì và phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chủ trì và phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì buổi tọa đàm. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các thành viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, thiết chế bảo hiến là nội dung hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là lần đầu tiên, thiết chế này được đặt ra trong quá trình xây dựng Hiến pháp ở Việt Nam.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân góp ý vào sự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau giữa các tầng lớp nhân dân, nhà khoa học và cả trên diễn đàn Quốc hội về chủ đề này. Nhiều ý kiến đề xuất cần thành lập cơ chế Hội đồng Hiến pháp để bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật và bảo đảm để tất cả các chủ thể trong xã hội tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Hiến pháp.

Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mong muốn, qua buổi tọa đàm, tập hợp ý kiến của các chuyên gia góp phần hoàn thiện thiết chế Hội đồng Hiến pháp trên cơ sở các luận cứ khoa học liên quan đến những vấn đề như sự cần thiết phải thành lập, cơ chế vận hành, hoạt động của Hội đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trên thực tế, trong quá trình hình thành, xây dựng bộ máy và phát triển đất nước, cơ chế bảo hiến đã được hình thành trong thể chế Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, một trong những yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện cơ chế bảo hiến, qua đó đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

Việc xây dựng thiết chế này cũng trên cơ sở tiếp thu thành tựu khoa học, kinh nghiệm xây dựng thể chế của các quốc gia trên thế giới đồng thời kế thừa thành tựu trong xây dựng bộ máy Nhà nước Việt Nam từ khi thành lập đến nay, hướng đến mục tiêu quan trọng là hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, với tầm nhìn lâu dài và hợp lòng nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, kết luận của buổi tọa đàm sẽ là căn cứ khoa học để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Trong một ngày làm việc, các đại biểu cùng nhau thảo luận về sự cần thiết phải thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách là Hội đồng Hiến pháp; cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề này cũng như mô hình tổ chức, vị trí, tính chất của Hội đồng Hiến pháp.

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp, thảo luận về nhiệm vụ quyền hạn; hiệu lực các quyết định của Hội đồng Hiến pháp.

Các ý kiến cũng đề cập đến mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp với tư cách là một thiết chế hiến định độc lập với các cơ quan khác của Nhà nước đặc biệt là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân để phù hợp với nguyên tắc: quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm