Pháp luật

Tin tức

Tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến rất phức tạp. Các lực lượng chức năng tập trung triển khai công tác đấu tranh phòng-chống loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Gia Lai, trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán ma túy từ các tỉnh phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum vào Gia Lai. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm thông qua điện thoại, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để giao dịch hoặc ký gửi qua xe khách dưới hình thức vận chuyển hàng hóa. Việc đấu tranh với loại tội phạm này vô cùng phức tạp, nhất là số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động phạm tội đan xen với tội phạm hình sự khác.
Theo số liệu điều tra, toàn tỉnh hiện có 1.490 đối tượng tại 133/220 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố liên quan đến ma túy (tăng 11 địa bàn, 526 đối tượng so với cuối năm 2015) gồm: 770 đối tượng nghiện; 324 đối tượng sử dụng; 270 đối tượng vừa nghiện, vừa tham gia tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy; 126 đối tượng nghi vấn tàng trữ, mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, độ tuổi của các đối tượng liên quan đến ma túy ngày càng được trẻ hóa: dưới 16 tuổi chiếm 0,33%; từ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 2,48%; từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm 58,38% và từ đủ 30 tuổi trở lên chiếm 38,79%.

Ngoài ra, tội phạm ma túy liên quan đến nữ giới cũng đang diễn biến phức tạp (chiếm 9,12%) và hành vi ngày càng liều lĩnh. Điển hình như vụ án Nguyễn Thị Diễm My (SN 1986, trú tại phường Hội Thương, TP. Pleiku) tàng trữ trái phép chất ma túy. Năm 2014, My bị kết án 2 năm 3 tháng tù về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, ngày 27-12-2018, đối tượng tiếp tục bị tuyên phạt 36 tháng tù cùng về tội danh nhưng được hoãn thi hành án vì đang trong thời gian nuôi con nhỏ. Để trốn tránh việc chấp hành án phạt tù, đầu năm 2021, đối tượng tiếp tục sinh con nhưng vẫn không từ bỏ con đường phạm tội. Ngày 27-4, My bị bắt quả tang khi đang mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ là 15 gói ma túy đá với trọng lượng 25 gram (lúc này con của My vừa hơn 1 tháng tuổi) và trong thời gian được tại ngoại. Ngày 13-5, My lại tiếp tục bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ là 6 gói ma túy đá, trọng lượng hơn 3,4 gram. Công an TP. Pleiku đang hoàn tất các thủ tục để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Nguyễn Thị Diễm My. Ảnh: Lê Anh
Đối tượng Nguyễn Thị Diễm My. Ảnh: Lê Anh
Thiếu tá Phạm Hồng Anh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) cho biết: Công tác phòng-chống tội phạm và tệ nạn ma túy gặp nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động và thường xuyên thay đổi. Các đối tượng cầm đầu thường có tiền án, tiền sự, sử dụng vũ khí nóng, tính chất hoạt động manh động, liều lĩnh, cấu kết với đối tượng hình sự. Hiện nay, nổi lên tình trạng các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của chủ cơ sở kinh doanh các dịch vụ có điều kiện như: nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, karaoke để tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo Thiếu tá Phạm Hồng Anh, bên cạnh các quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc thì lực lượng chuyên trách phòng-chống ma túy còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Nguồn kinh phí cho công tác phòng-chống ma túy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; công tác cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện hiệu quả còn thấp nên tỷ lệ tái nghiện cao.
“Trong thời gian tới, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an thì các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng-chống ma túy, tác hại, hệ lụy của ma túy gắn với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Chủ động phối hợp với gia đình, chính quyền cơ sở, vận động người có uy tín trong dòng họ, tôn giáo, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, giáo dục con em tránh nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng, tham gia các đường dây ma túy; giám sát, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng”-Thiếu tá Phạm Hồng Anh cho biết thêm.  

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đã bắt giữ 25 vụ/108 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy (tăng 8 vụ, 29 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020). Tang vật thu giữ là hơn 8,3 gram heroin, 781 gram ma túy tổng hợp và 1.378 cây cần sa.

LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm