Du lịch

Hành trang lữ hành

Tôn vinh ẩm thực, di sản để xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2020 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục gồm điểm đến di sản hàng đầu, điểm đến văn hóa và điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.

Được ví như Hạ Long trên cạn với gần 100 hang động tuyệt đẹp, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Được ví như Hạ Long trên cạn với gần 100 hang động tuyệt đẹp, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)


Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Việt Nam vinh dự được bình chọn là “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á”.

Đây là kết quả bình chọn khu vực châu Á, do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) công bố. Năm 2020 cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được bình chọn ở cả 3 hạng mục này.

Một lần nữa, văn hóa, di sản, ẩm thực lại là những yếu tố nổi trội mang lại những giải thưởng quốc tế danh giá cho du lịch Việt Nam.

Trong những năm qua, du lịch văn hóa luôn là một trong những loại hình hấp dẫn nhất, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần mang lại sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Hiện Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”, nằm trong kế hoạch của ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án do Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng trên cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, tập trung phát triển trên 2 lĩnh vực có thế mạnh của nước ta là ẩm thực và di sản, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường ưa chuộng.

Đề án cũng khái quát hiện trạng phát triển du lịch văn hóa tại Việt Nam; đưa ra các giá trị cốt lõi của thương hiệu về du lịch văn hóa Việt Nam; định hướng, mục tiêu và nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam; giải pháp triển khai và cách tổ chức thực hiện.

Theo nghiên cứu, du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm du lịch quan trọng của Việt Nam, thu hút đông đảo khách du lịch quốc tế (văn hóa, biển đảo, sinh thái, thành phố); có sức hấp dẫn, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch…

Những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến nổi bật trên thế giới gắn với thế mạnh di sản và ẩm thực. Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến ẩm thực số 1 châu Á.”

Hiện du lịch Việt Nam đang phát huy khá tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch, nhưng ẩm thực lại chưa khai thác tốt.

Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa Việt Nam sẽ được mở rộng, ghi nhận tại các thị trường mục tiêu và truyền thống như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, New Zeland, Đông Âu, Bắc Âu và thị trường mới Trung Đông.

Theo đó, để phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa, ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, ẩm thực; đổi mới chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Dự thảo cũng nêu các giải pháp triển khai du lịch văn hóa, trong đó có giải pháp về nghiên cứu và dự báo; khoa học công nghệ; thương mại, truyền thông; đầu tư, tài chính ứng dụng.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm