Kinh tế

Tôn vinh các ngành nghề truyền thống Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-5, tại Hội trường Sở Công thương đã diễn ra Hội nghị bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012. Đây là năm đầu tiên Gia Lai tổ chức Hội nghị bình chọn, nhưng kết quả mang lại thành công ngoài sự mong đợi. Với 13 sản phẩm được bình chọn và công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2012, 7 sản phẩm được chọn đăng ký dự thi cấp khu vực là “bước đệm” để các ngành nghề truyền thống tỉnh ta được gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và có cơ hội  phát triển, nhân rộng.

Tham gia đợt bình chọn này có 6 đơn vị đến từ các hợp tác xã (HTX) công-nông-lâm nghiệp và thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc địa phương. Chủ yếu tập trung ở 2 ngành nghề chính là sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống như áo, khố nam và váy nữ; các loại túi xách, khăn, chăn (hay còn gọi là bành), các loại ví nữ…; các sản phẩm nhạc cụ truyền thống như đàn T’rưng 3 tầng, đàn T’rưng gió chim, đàn Kơ ní, đàn Goong, đàn Bro mong, đàn Krông but, kiếm, gùi, nỏ…

 

Bà Mlop giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Lê Lan
Bà Mlop giới thiệu các sản phẩm thổ cẩm. Ảnh: Lê Lan

Điều thú vị trong Hội nghị bình chọn là khách mời không chỉ “đã mắt” ngắm nhìn các sản phẩm đăng ký bình chọn được trưng bày bắt mắt, mà còn được nghe chính các nghệ nhân giới thiệu sản phẩm của mình, đặc biệt là màn trình diễn độc đáo hầu hết các loại nhạc cụ mang đến của nghệ nhân Rơ Châm Tih-Chủ nhiệm HTX Nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (TP. Pleiku) với những âm thanh thanh thoát, trong trẻo… “cuốn” tất cả mọi người trong Hội nghị vào không gian âm nhạc sâu lắng, tạo không khí buổi bình chọn vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa nhẹ nhàng, ý nghĩa, tôn vinh nét đẹp truyền thống các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các dân tộc Jrai, Bahnar.

Xúc động với sản phẩm áo và khố nam đạt số điểm cao nhất của Ban giám khảo (điểm bình quân 81 điểm), bà Mlop-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar (huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Tôi tự hào với tổ tiên khi mang nhiệm vụ gìn giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu nghề dệt truyền thống này. Mong rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi với thế hệ hôm nay và mai sau”.

Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh gồm: 11 sản phẩm dệt thổ cẩm của các HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Glar (huyện Đak Đoa), HTX Nông nghiệp Ia Yeng (huyện Phú Thiện), HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Linh H’Nga (huyện Chư Pưh), HTX Công-nông- Lâm nghiệp và Dịch vụ Ia Dom (huyện Đức Cơ); HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Kon Dơng (huyện Mang Yang) và 2 sản phẩm Nhạc cụ truyền thống của HTX nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (TP. Pleiku)

Tôn vinh ngành nghề truyền thống, cũng chính là tôn vinh những nghệ nhân đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy những ngành nghề này. Nghệ nhân Mlop là cô gái Bahnar khéo tay, luôn nâng niu yêu quý những sản phẩm do chính mình làm ra. Không chỉ vậy, chị còn truyền nghề cho các em, các cháu phát triển làng nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm và mang lại một khoản thu nhập cho chị em trong làng. Còn với nghệ nhân Rơ Châm Tih người đã thổi hồn vào những ống tre khô cứng, tạo nên những âm thanh kỳ ảo thì: “Làm nghề này phải đam mê và phải có một đôi tai thính. Bởi để có một chiếc đàn, nghệ nhân phải kỹ càng từ khâu lội rừng tìm nứa, phải là nứa 3 tuổi không quá non hoặc quá già; chọn nắng phù hợp để phơi và quan trọng và khó nhất là khâu vót âm thanh, đàn nghe hay hay không phụ thuộc chính vào khâu này”.

Mỗi tháng HTX sản xuất nhạc cụ của Rơ Châm Tih bán từ 30 đến 50 chiếc đàn với 8 nghệ nhân thường xuyên chế tác. Trong đó, loại đàn T’rưng nhỏ, truyền thống, gió chim và 3 tầng… được nhiều khách hàng ưa chuộng đặt với số lượng lớn. Điều thành công của HTX nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên chính là các thành viên trong HTX được phân công chuyên môn hóa từng khâu sản xuất. Người thì chuyên vót âm thanh, người làm chân, người khắc hoa văn lên đàn-đây cũng chính là nét độc đáo mà chỉ nhạc cụ của HTX mới có. “Có những đơn hàng lớn mình phải huy động thêm người làm, nhưng chỉ làm các khâu đơn giản để đảm bảo chất lượng đàn, giữ uy tín với khách hàng”. Hiện sản phẩm nhạc cụ của HTX được bán ở hầu hết các quầy lưu niệm của thành phố Pleiku, Kon Tum, Đak Lak và nhiều tỉnh thành khác...

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng bình chọn sản phẩm, ông Hoàng Công Lự-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Cuộc bình chọn lần này với mục đích phát hiện và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, bảo tồn và phát triển những sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đây cũng chính là điều kiện giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm. Qua đó nâng cao tay nghề, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ”.

Lê Lan
 

Có thể bạn quan tâm