Kinh tế

Tôn vinh người trồng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 do UBND tỉnh Đak Lak phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức từ ngày 8 đến 13-3-2017 với mục đích tôn vinh người trồng cà phê và nâng cao giá trị ngành Cà phê Việt Nam.

 Hội chợ thu hút 184 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Văn Ngọc
Hội chợ thu hút 184 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Văn Ngọc

Điểm nổi bật của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này đó là lễ hội “3 trong 1” với sự kết hợp của Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 với rất nhiều nội dung trong chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn mang bản sắc đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do UBND tỉnh Đak Lak phát động gồm 2 chủ đề đó là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và “Cà phê Buôn Ma Thuột” với sự góp mặt của 495 tác phẩm của 71 tác giả trên khắp mọi miền đất nước. Các tác phẩm mang đến cái nhìn tổng quan về tiềm năng, lợi thế của cây cà phê Việt Nam và nét đẹp văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên.

Hội chợ-Triển lãm chuyên ngành cà phê diễn ra từ ngày 8-3 đến 13-3 mang chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của 184 doanh nghiệp trong và ngoài nước với khoảng 734 gian hàng, trong đó có 400 gian hàng chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê; 300 gian hàng là các sản phẩm thương mại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn kỹ thuật môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đây nhằm quảng bá hình ảnh ngành cà phê và các sản phẩm, doanh nghiệp cà phê tới khách hàng trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cà phê quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê.

Chung kết cuộc thi “Đệ nhất pha chế cà phê tại Việt Nam lần thứ 4” thu hút 50 thí sinh đại diện cho các nhà hàng, khách sạn, quán bar, quán cà phê trong cả nước đăng ký tham gia. Cuộc thi sẽ tìm ra chủ nhân của các danh hiệu pha chế cà phê và “Tách cà phê phong cách nhất”. Đây là dịp để vinh danh các tài năng pha chế, biểu diễn sự sáng tạo trong các cách thức pha chế cà phê, góp phần giới thiệu và quảng bá cà phê Việt Nam đến với bạn bè thế giới.  

Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động là Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 với sự tham dự của khoảng 500 đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội nghị nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch đi vào chiều sâu, quy mô, thực chất; tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng, phát triển năng lượng sạch; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại địa bàn Tây Nguyên. Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên; đánh giá kết quả thu hút đầu tư trong thời gian qua và định hướng ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; giới thiệu danh mục các dự án mời gọi đầu tư của các tỉnh Tây Nguyên; trao giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các nhà đầu tư…

Đặc biệt, chung kết cuộc thi nhà nông đua tài diễn ra vào ngày 11-3 với chủ đề nông dân sản xuất cà phê bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường. Cuộc thi thu hút sự tham gia của nông dân các tỉnh Tây Nguyên, qua đó góp phần tạo ra không khí thi đua lao động sản xuất, tạo ra những sản phẩm cà phê thơm ngon nức tiếng, không chỉ với người tiêu dùng trong nước, mà với cả thế giới. Đây cũng là dịp để nông dân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cà phê bền vững, ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Một trong những điểm nhấn của lễ hội đó là chương trình “Đêm hội vào mùa” sẽ tôn vinh những người trồng cà phê tiêu biểu thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đak Nông, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị, Điện Biên và Sơn La.

Hấp dẫn du khách phải kể đến chương trình Lễ hội đường phố diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 10-3 với chủ đề “Cà phê-Sức sống đại ngàn từ mạch nguồn văn hóa” với sự tham gia diễu hành của 15 đội cồng chiêng tỉnh Đak Lak. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự hiện diện của các đội cồng chiêng đến từ các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là sự có mặt của đội cồng chiêng đến từ Hàn Quốc và đoàn nghệ thuật dân gian truyền thống Brazil.

 Bá Thăng

Có thể bạn quan tâm