Chính trị

Tin tức

Tổng Bí thư Lê Duẩn và quan điểm "lao động, tình thương, lẽ phải"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày nay, trong điều kiện mới, những quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về “lao động, tình thương và lẽ phải” vẫn còn nguyên giá trị.

Hoài bão lớn nhất của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời là xây dựng hệ thống giá trị chân- thiện –mỹ của con người mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Ông từng nói: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”.

 

Tổng Bí thư Lê Duẩn với sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Lê Duẩn với sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Thông qua lao động mới xây dựng được tình thương

Theo ông Nguyễn Hoàn - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, ba khái niệm “lao động”, “tình thương”, “lẽ phải” gắn bó hữu cơ, biện chứng, không thể tách rời được trong tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, chỉ có thông qua lao động mới xây dựng được tình thương cao đẹp, rộng lớn của con người: “Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất cao đẹp vốn có của con người Việt Nam. Thương nước - thương nhà, thương người- thương mình là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hóa Việt Nam.

Tình thương ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể”. Tình cảm cao đẹp đó, theo Tổng Bí thư Lê Duẩn phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể, trực quan, chứ không thể là lời nói suông, chung chung: “Người cán bộ nhìn một em bé ăn mặc rách rưới mà không thấy động lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy đã “cạn đi” rồi đấy”.

Có lao động, có tình thương, ắt có lẽ phải: “Để làm chủ tiến trình xây dựng xã hội mới, người lao động không những phải thiết tha gắn bó với sự nghiệp đó, mà còn phải hiểu biết quy luật phát triển của nó. Chỉ bằng nhiệt tình, không thể đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”.

Ông Nguyễn Hoan phân tích, ở đây, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhấn mạnh thêm rằng, tình cảm phải được lẽ phải, được chân lý dẫn dắt. Lòng nhiệt tình phải cộng với sự hiểu biết mới đưa lại hiệu quả cao trong hoạt động cách mạng, trong lao động sáng tạo. Nhưng chính “tình thương” tạo tiền đề để nắm bắt “lẽ phải” và “lẽ phải” làm tăng lên sức mạnh của “tình thương”. Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu rõ: “Tình cảm giai cấp giúp chúng ta nắm lấy tri thức cách mạng, ngược lại tri thức cách mạng giúp chúng ta củng cố thêm tình cảm giai cấp”.

Giáo dục lòng nhân ái của con người

Ths Nguyễn Văn Hùng - Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh đến chân lý “lao động, tình thương và lẽ phải” của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông nói tới tình thương, tình yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu thương con người, trước hết là với những người nghèo khổ, thiệt thòi; đó là sự kế tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “thương nước, thương nhà, thương người như thể thương thân”.

Theo ông, con người mới yêu lao động, giàu tình thương là con người biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Vì vậy, trọng trách của người thầy trước hết là giáo dục lòng nhân ái của con người, “vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người”.

Làm rõ thêm về khái niệm “lẽ phải”, Ths Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phát hiện, bảo vệ và chiến đấu cho những lẽ phải - những chân lý làm người được đúc kết qua truyền thống dân tộc Việt Nam. Tình thương và lẽ phải là hai mặt của một vấn đề, thể hiện mối quan hệ giữa tình cảm và lý trí, là nguyên tắc nhận thức, ứng xử của con người mới. Lý trí kết hợp với tình thương sẽ tạo nên sức mạnh mềm mại trong nhận thức cái chân-thiện-mỹ, nên lẽ phải bao giờ cũng phải đi kèm với tình thương.

Ông Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng, hồi ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn cùng với Xứ ủy Nam Bộ chủ trương chỉ tịch thu ruộng đất của thực dân, địa chủ làm tay sai của Pháp, còn với địa chủ có tinh thần yêu nước thì động viên hiến ruộng cho người cày thiếu ruộng hoặc không có ruộng. Thực chất đó là cuộc cải cách ruộng đất ở Nam Bộ mà không cần thông qua “đấu tố”, cũng là một biểu hiện của mối quan hệ giữa “lẽ phải” và “tình thương”.

Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, mối quan hệ giữa tình thương và lẽ phải như một điều quan trọng trong tố chất của người làm cách mạng. Ông nói: “Có những con người cụ thể trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản, đến với cách mạng từng phải trực tiếp chịu cảnh cơ hàn của nước mất nhà tan; nhưng cái làm nên sức mạnh của những người cộng sản luôn cao hơn nỗi đau khổ cá nhân; người ta đến với lý tưởng, chấp nhận hy sinh vì nó là nỗi khát vọng về tình thương và lẽ phải của mỗi đồng bào mình”.

Một xã hội phát triển cả ba mặt “lao động”, “tình thương” và “lẽ phải” là một xã hội phát triển hài hòa, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người và sức mạnh của văn hóa, của con người phải được hiện thực hóa trong sức mạnh kinh tế.

Trọn đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân. Ngày nay, trong điều kiện mới, những quan điểm của ông về “lao động, tình thương và lẽ phải” vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng và nhân dân ghi nhận và vận dụng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm