Chính trị

Tin tức

'Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đủ uy tín làm Chủ tịch nước'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ điều kiện và uy tín làm Chủ tịch nước. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành', ông Lê Quang Thưởng nói với Zing.vn.
Tối 3/10, chia sẻ với Zing.vn về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương) cho rằng phương án Tổng bí thư làm Chủ tịch nước bảo đảm sự thống nhất của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tập quán quốc tế, công tác ngoại giao.
Tin ở sự sáng suốt của Trung ương
"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ điều kiện và uy tín làm Chủ tịch nước. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành", ông Thưởng nói.
Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng thì cho rằng phương án này là cần thiết và ông "tin ở sự sáng suốt của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương". Cái gì có lợi cho nước, cho dân thì Đảng, Nhà nước cần làm.
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Ảnh: Reuters.
Chia sẻ quan điểm với ông Lê Quang Thưởng về việc thu gọn đầu mối, ông Hùng cũng nhìn nhận trong tình huống này người giữ vị trí sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự bố trí khoa học, hiệu quả.
"Tôi tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí là người tiêu biểu, đáng tin cậy", ông Vũ Quốc Hùng bày tỏ.
Cần quy định đầy đủ hơn
Là người có 5 khóa tham gia Ban chấp hành Trung ương, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đánh giá việc giới thiệu Tổng bí thư để bầu làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất và hợp lòng dân.
"Lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, Bác Hồ từng làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Từ sau khi Bác mất năm 1969 cho đến nay, do nhiều yếu tố, điều kiện, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội, chúng ta thực hiện việc Tổng bí thư làm Chủ tịch nước là rất tốt", ông Vũ Mão phân tích.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định niềm tin của người dân đặt vào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng mạnh mẽ.
"Tuy nhiên, để mô hình này phát huy hiệu quả, chúng ta cần có những văn bản quy định đầy đủ hơn", ông Mão nhấn mạnh.
Chung quan điểm, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng khi tiến hành việc này chúng ta phải rà soát lại các quy định của Hiến pháp, pháp luật... "Nếu Quốc hội thấy chỗ nào chưa đầy đủ, chưa đáp ứng thì phải bổ sung", ông nói.
'Sự nhất quán trong chính sách'
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Việt Nam nhận định với Zing.vn, việc Tổng bí thư được giới thiệu làm Chủ tịch nước là một động thái cho thấy sự nhất quán trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội của Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, công cuộc chống tham nhũng đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực từ dư luận trong nước cũng như giới đầu tư.
Giáo sư Zachary Abuza (Học viện chiến tranh Mỹ), nói: "Kể từ tháng 12/2016, thời điểm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức mạnh và ổn định. Hiện nay, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài".
Chiều 3/10, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.
Nguyễn Hưng-Thắng Quang-An Điền (ZING.VN)

Có thể bạn quan tâm