Rất nhiều tình cảm tốt đẹp dành cho Tổng Bí thư thông qua hoạt động chia buồn, thăm viếng, cùng nhiều biểu hiện xúc động khác bày tỏ sự tiếc thương, lòng kính trọng và ngưỡng mộ cuộc đời, sự nghiệp, công lao, đóng góp của một người suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Trách nhiệm, sâu sát
Là người làm báo Đảng địa phương, tôi có may mắn tháp tùng, đưa tin một số chuyến thăm, công tác của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với các cương vị khác nhau khi đến Gia Lai. Lần đầu tiên là năm 2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đến thăm, kiểm tra tình hình của tỉnh, thực hiện chương trình giám sát một số công trình trọng điểm quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội, thăm Nhà máy Thủy điện Ialy…
Cũng với chuyến công tác đó, Ban Biên tập đề nghị tôi tranh thủ gặp, xin ý kiến trao đổi với đồng chí Nguyễn Phú Trọng một số nội dung làm “của để dành” cho số báo Tết. Bài phỏng vấn ấy có tiêu đề “Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng Núp, bản sắc văn hóa cồng chiêng, đoàn kết xây dựng Gia Lai thêm giàu đẹp”. Nội dung trả lời 3 câu hỏi này đủ cho một trang báo kèm ảnh Chủ tịch Quốc hội trong trang phục giản dị bắt tay thăm hỏi chuyên gia, cán bộ, kỹ sư, công nhân công trình thủy điện Ialy.
Trong phần trả lời của mình, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là quê hương Anh hùng Núp, bản sắc văn hóa cồng chiêng. Tính văn hóa của các dân tộc biểu hiện rõ rệt. Bà con hồ hởi, chân thành, đối xử với nhau chan hòa trong tình đoàn kết. Tôi hy vọng với truyền thống kiên cường của quê hương cách mạng, với bản sắc văn hóa vốn có, với hướng đi đã rõ do Đại hội Đảng bộ tỉnh và Trung ương vạch ra, chắc chắn sắp tới đồng bào các dân tộc Gia Lai sẽ có bước phát triển mới, cơ sở vật chất, kinh tế-xã hội ngày càng được tăng cường và đời sống Nhân dân nhất định sẽ cải thiện”.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng niềm tin và sự khẳng định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được minh chứng trong hiện thực không ngừng đổi thay và phát triển của Gia Lai suốt 17 năm qua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vườn hồ tiêu của nông dân xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) ngày 15-4-2011. Ảnh: Đ.T |
Lần nữa, tôi có vinh dự đưa tin, viết bài tuyên truyền nhân chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4-2011. Chuyến ấy, Tổng Bí thư đến Gia Lai kiểm tra tình hình học tập quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Kết luận số 02 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế năm 2011 và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngoài ra, Tổng Bí thư còn có chương trình thực tế và làm việc ở huyện Chư Sê, làm việc với lãnh đạo tỉnh, Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15. Thông tin chuyến công tác của Tổng Bí thư sau đó tôi chắt lọc, viết thành bài “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến công tác tại Gia Lai” đăng trên ấn phẩm Gia Lai Xuân Nhâm Thìn 2012.
Lần ấy, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Tổng Bí thư lưu ý phải tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân, tạo sự nhất trí cao trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành động. Vận dụng sáng tạo nghị quyết, chủ trương của Trung ương vào thực tế địa phương để xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp, phát huy hiệu quả.
Khảo sát, rà soát để có cơ sở ưu tiên triển khai thực hiện thành công một số nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề cấp thiết như: đổi mới, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, quản lý tài nguyên, xóa đói giảm nghèo, tăng cường quốc phòng-an ninh.
Tổng Bí thư yêu cầu việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội phải đi vào thực chất. Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực quản lý và điều hành của chính quyền; đảng viên phải gương mẫu, thực sự là hạt nhân của phong trào, tiền phong trong mọi nhiệm vụ. Tăng cường củng cố khối đại đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục của mọi cán bộ, đảng viên và với mỗi người.
Ở lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào, Tổng Bí thư cũng quan tâm sâu sát, chăm chú tìm hiểu, gợi mở giải pháp rõ ràng, thấu đáo. Cũng như khi là Chủ tịch Quốc hội, làm việc với huyện Chư Sê sau khi khảo sát thực tế, Tổng Bí thư lưu ý cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, cử tri thực hiện trách nhiệm và quyền làm chủ lựa chọn bầu những người đại diện tiêu biểu vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Đồng chí cho rằng: 1-2 cử tri không đi bầu cử thì cũng phải nắm cho được đó là ai, lý do vì sao, họ đi đâu, làm gì. Phải sâu sát, tường tận, không thể chỉ làm đẹp con số, dựa trên văn bản giấy tờ hay báo cáo suông.
Gần gũi, giản dị
Báo chí, truyền thông mấy ngày qua có nhiều bài viết về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của đồng chí. Đó hoàn toàn là những đánh giá, nhận định chân xác, đúng đắn, giàu sức thuyết phục. Lúc này, thành thực với lòng, nhớ lại kỷ niệm từng quan sát và chứng kiến, tôi rất xúc động và khâm phục trước đức tính cao quý của Tổng Bí thư: sâu sát, trách nhiệm, gần gũi, giản dị.
Năm 2012, trong chuyến công tác đến Gia Lai, ngay khi vừa tới nơi, Tổng Bí thư đã đến thăm và tặng quà gia đình người Jrai có công và cũng là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi ở làng Tốt Tâu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê.
Cần hiểu thêm rằng, kể từ năm 2001, sau khi kích động cuộc biểu tình, bạo loạn lật đổ bất thành, bọn phản động FULRO và các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước ta, gây rối loạn tình hình các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Liên tục nhiều năm sau đó, tình hình Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị.
Khi thăm và làm việc với huyện Chư Sê năm 2007 với tư cách là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã lưu ý huyện vẫn còn là trọng điểm an ninh chính trị của tỉnh Gia Lai, của Tây Nguyên. Kể từ sau năm 2001, xã Chư Pơng là địa bàn FULRO vẫn hoạt động khá mạnh và ráo riết suốt một thời gian dài.
Tổng Bí thư đã ra tận vườn hồ tiêu của ông Rah Lan Kam tham quan, hỏi han, chuyện trò và không giấu được sự vui mừng trước thành quả của người cựu chiến binh khỏe mạnh, giỏi giang. Tổng Bí thư cho rằng những người như ông Kam chẳng những giỏi làm giàu cho gia đình mà còn tô thắm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình, có sức ảnh hưởng to lớn đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trong cộng đồng cư dân địa phương.
Thăm Quân đoàn 3, Binh đoàn 5, Tổng Bí thư đều dành thời gian thực tế, nắm bắt tình hình mọi mặt một cách tỉ mỉ, sâu sát. Tổng Bí thư ân cần hỏi han sức khỏe, công tác, nơi ăn ở, làm việc của cán bộ, chiến sĩ, công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, việc làm của người lao động, đời sống các già làng, trưởng thôn, cá nhân tiêu biểu; phát biểu quán triệt nhiệm vụ, thăm nhà truyền thống, ghi cảm tưởng vào sổ lưu niệm…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Quân đoàn 3 ngày 16-4-2011. Ảnh: Đ.T |
Tổng Bí thư khoan thai, nhẹ nhàng nhưng cẩn thận, nghiêm túc. Tổng Bí thư cho rằng nội dung thực chất, hiệu quả công việc mới là yếu tố quyết định, chứ không phải hình thức, trống giong cờ mở, khẩu hiệu băng rôn. Như khi trồng cây lưu niệm ở Binh đoàn 15, ông yêu cầu gỡ hết giấy quấn quanh cán cuốc, xẻng. Đang khi lấp đất, có người đề nghị chuyển cho người khác làm thay, ông nhất quyết không chịu.
Ông còn đề nghị lãnh đạo đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin cùng mình lấp hết chỗ đất vào hố, nén gốc, cố định thân cây cẩn thận và tưới nước đầy đủ rồi mới dừng tay. Mồ hôi lấm tấm trên trán, trên áo nhưng xong việc, Tổng Bí thư cười hiền, sảng khoái một cách lạ.
Hai chuyến công tác đến Gia Lai của người đứng đầu Quốc hội, Trung ương Đảng mà tôi biết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu không được gây ồn ào, tạo sự chú ý; xe dẫn đường không được hú còi inh ỏi. Trên đường đi, đồng chí đề nghị xe chạy chậm, giữ trật tự, không gây trở ngại cho người đi đường, để đồng chí quan sát, cảm nhận đầy đủ nhất, nhiều nhất, kỹ nhất mọi vật, cuộc sống xung quanh.
Đức tính giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư còn thể hiện trong mối quan hệ với anh em báo chí. Tiếp xúc với báo chí, ông luôn vui vẻ, nhiệt tình, tạo điều kiện để tác nghiệp. Khi biết tôi là nhà báo, ông từ tốn cho biết mình cũng từng là nhà báo, công tác ở Tạp chí Cộng sản. Ông bảo đó là nghề khó nhưng thú vị.
Chưa ra khỏi suy tư chiêm nghiệm đức tính giản dị mà vị lãnh đạo cao nhất của Đảng vừa rời cõi tạm, khi chuẩn bị kết thúc bài viết này, tôi bỗng phát hiện một chi tiết đầy bất ngờ và lạ lùng trên mấy tấm ảnh trong các bài viết của mình: chiếc áo ông mặc khi là Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư đến thăm Gia Lai không khác gì nhau. Cùng màu sắc, kiểu dệt, hoa văn. Có phải chiếc áo ấy đã được nhà lãnh đạo tài ba mà liêm khiết, giản dị sử dụng trong từng ấy năm?
Có thể lắm, vì đã có một số bài viết về chiếc áo khoác Tổng Bí thư mặc từ năm 2016 đến cuối năm 2023, chiếc kính và nhiều đồ vật quen thuộc khác. Hay nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhớ lại: “Cái áo khoác, áo sơ mi từ thời tôi làm việc, đến giờ nhìn trên ti vi tôi vẫn thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc”.