Chính trị

Tin tức

Tổng Bí thư Trường Chinh – người đặt nền móng cho công cuộc Đổi mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh: Tổng Bí thư Trường Chinh chính là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới của đất nước.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi qua chặng đường hơn 30 năm. Đây là một chặng đường đáng ghi nhớ trong những mốc son lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc. Làm nên sự nghiệp đổi mới là công lao của toàn Đảng, toàn dân và không thể nhắc tới người đặt nền móng của công cuộc đổi mới là Tổng Bí thư Trường Chinh.

 

Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 12/1986 - Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Trường Chinh, tháng 12-1986 - Ảnh: TTXVN

Đổi mới là yêu cầu bức thiết

Trước thời kỳ đổi mới, đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Nền kinh tế vận hành thiếu năng động, kém hiệu quả. Nhiều nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân về ăn, mặc, ở không được giải quyết đầy đủ. Lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng bị giảm sút.

Trong bối cảnh đó, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (từ năm 1981) trăn trở, suy nghĩ tìm cách đưa đất nước thoát khỏi tình thế khó khăn và tìm ra cái mới đúng đắn để thay thế cái cũ trên cơ sở lý luận, thực tiễn, dựa vào sự sáng tạo của nhân dân và nhất là phải thuận lòng dân.

Với tư tưởng “đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”, tháng 11/1982, ông quyết định hai việc đặt nền móng cơ bản cho sự hình thành tư duy đổi mới sau này. Một là, thành lập nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu lý luận, gồm cả việc phân tích khách quan cuộc khủng hoảng kéo dài và suy nghĩ, xem xét phải bắt đầu từ đâu, làm thế nào để “thoát ra”.

Hai là, tổ chức đi thực tế ở các địa phương trên cả ba miền đất nước, tìm ra những bài học thành công và thất bại của cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo trong nhân dân cả nước, để trên cơ sở đó đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước. Hàng loạt chuyến đi từ 1983 đến 1985 đã giúp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhìn rõ sự thật.

Thạc sĩ Trần Thị Huyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Đối với đồng chí Trường Chinh, vấn đề thâm nhập thực tế, nghiên cứu tình hình, phát hiện cái mới là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bởi chỉ có trên cơ sở thực tế mới có thể tìm ra hướng đi đúng đắn nhất, lời giải cho bài toán khủng hoảng, khó khăn kinh tế - xã hội của nước ta trong thời điểm đó. Đây chính là căn cứ thực tế sinh động, có sức thuyết phục, khắc họa tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh, thể hiện qua các bài phát biểu của đồng chí tại các Hội nghị Trung ương 6,7,8,9 đã gây tiếng vang trong cả nước”.

Với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đồng chí Trường Chinh đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ cũ quen thuộc, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Ông bắt đầu nhận ra đã đến lúc đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy về kinh tế. Đó là, phải bãi bỏ nền kinh tế hiện tại, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hoạch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước.

Với lập trường, nguyên tắc, thái độ kiên trì và nhẫn nại, từ Hội nghị lần thứ 6,7,8 Ban Chấp hành Trung ương và đến Đại hội lần thứ VI của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đều kiên quyết đề nghị Đảng bãi bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 8, khoá V (6/1985), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang thời kỳ điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hóa gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

“Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương coi việc giải quyết giá-lương-tiền là khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, là cái mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng ta trên mặt trận kinh tế, trong đó có sự đóng góp to lớn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh”-Thạc sĩ Trần Thị Huyền nhấn mạnh.

 

 Các Ủy viên Trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh tư liệu
Các Ủy viên Trung ương họp tổ thảo luận chuẩn bị nội dung Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh tư liệu



Thạc sĩ Trần Thị Huyền cho biết thêm, những ý kiến đúng đắn và kiên định của đồng chí Trường Chinh đã góp phần quan trọng giúp cho Đảng giữ vững được định hướng đổi mới kinh tế đúng đắn và tránh được bước quanh co dao động quay trở lại con đường quan liêu, bao cấp. “Thực tế trên cho thấy, quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng không dễ dàng, mà phải trải qua đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới, giữa quan điểm bảo thủ lỗi thời với quan điểm đổi mới”, Thạc sĩ Trần Thị Huyền cho biết.

Tổng Bí thư của đổi mới

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tại hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 14/7/1986, ông Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư thay ông Lê Duẩn mới qua đời. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo chuyển hướng và thấu suốt tư duy đổi mới trong toàn Đảng và trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ VI.

Tổng Bí thư Trường Chinh cho rằng phải đổi mới trên nhiều mặt: “Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ”, đổi mới “phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này".

Chỉ đạo chuẩn bị Văn kiện Đại hội lần thứ VI, ông nêu 3 bài học kinh nghiệm quan trọng: một là, “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”. Từ tiền đề này, ông cho rằng, để thực sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc. Hai là, trong công tác lãnh đạo, “phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế”. Ba là, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đó con đường sáng giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).



PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận định, quá trình hình thành tư duy đổi mới của đồng chí Trường Chinh không phải là tự nhiên mà có, mà là một quá trình được chuẩn bị bằng lý luận, phương pháp luận; là quá trình thâm nhập, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm và từ đó đúc kết thành quan điểm, tư duy đổi mới.

“Đồng chí Trường Chinh chính là người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Ông đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh thêm, với tinh thần luôn đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân và sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư Trường Chinh đã nêu cao khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”, đổi mới là mệnh lệnh của cuộc sống. Nếu không đổi mới sẽ không đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, không khắc phục được những khó khăn, thách thức nặng nề của đất nước lúc đó. Nhưng quan trọng nhất là đổi mới được tư duy, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội thế nào cho đúng đắn với lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn của đất nước, khắc phục bệnh duy ý chí, nóng vội, chủ quan để đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển từ năm 1986 đến nay.

“Nhìn lại 30 năm đổi mới, chúng ta mới thấm thía giá trị lịch sử của Đại hội VI và những cống hiến của đdồng chí Trường Chinh”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986 đã đi vào lịch sử và là đại hội đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam, mở ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm