TN - Đất & Người

Tổng cục Đường bộ đề xuất 4giải pháp cho "điểm đen" trên đèo Lò Xo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để xóa bỏ “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) trên đèo Lò Xo (Kon Tum), Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra 4 giải pháp được cho là sẽ phát huy hiệu quả tức thì.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những đoạn đường cong trên đèo Lò Xo chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra TNGT trên tuyến đường này. Kết quả khảo sát cho thấy, trên đoạn tuyến từ Km 1396 - Km1434 có trên 70% đường cong có bán kính nhỏ hơn bán kính đường cong tối thiểu thông thường. Bên cạnh đó, có tới gần 50% đường cong chưa được mở rộng mặt đường phần xe chạy tối thiểu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Hầu hết các đường cong có tầm nhìn trước xe ngược chiều không đảm bảo yêu cầu tối thiểu với tốc độ 60km/h.
 Hiện trường một vụ xe khách lao xuống vực trên đèo Lò Xo
Hiện trường một vụ xe khách lao xuống vực trên đèo Lò Xo
Từ thực trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp thứ nhất là tăng cường hệ thống ATGT với tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Cụ thể là lắp đặt biển hạn chế tốc độ tại 4 điểm đen có nguy cơ xảy ra TNGT cao, lắp thiết bị giám sát tự động, bố trí 2 điểm dừng kiểm tra kỹ thuật xe, tăng cường thiết bị hộ lan phòng hộ, bổ sung giá long môn và hệ thống loa tuyên truyền.
Nhóm giải pháp thứ hai là triển khai sửa chữa, bổ sung kết cấu hạ tầng, 19 hốc cứu nạn và 2 đường cứu nạn sẽ được xây dựng tại các vị trí thích hợp; mở rộng 87 vị trí đường cong, bạt mái taluy; hạ thềm tầm nhìn tại 58 đường cong, xây dựng làn đường hãm xe tại 12 vị trí.
Với nhóm giải pháp này, nguồn kinh phí cần đề thực hiện rơi vào khoảng 175 tỷ đồng. Trong đó, ngay trong năm 2018-2019 cần 50 tỷ đồng và các năm sau cần 125 tỷ đồng. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguồn vốn đề xuất thực hiện hai nhóm giải pháp này là từ Quỹ Bảo trì đường bộ.
Nhóm giải pháp thứ ba là nghiên cứu xử lý, cải tạo cục bộ một số tuyến địa hình cua dốc lớn, nguy hiểm bằng cầu cạn, kè, hầm chui và cải nắn cục bộ một số đường cong khối lượng lớn. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá, đây là nhóm giải pháp căn cơ nhằm giải quyết triệt dể những “điểm đen” TNGT trên đèo Lò Xo. Kinh phí để thực hiện nhóm giải pháp này khoảng 23.650 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn khác.
Nhóm giải pháp thứ tư là phối hợp giữa các cấp chức năng từ Trung ương đến địa phương đảm bảo trật tự ATGT trên đoạn tuyến đèo Lò Xo, thông qua xử lý các vi phạm và tuyên truyền các kỹ năng lái xe khi đổ đèo.
Nhận định về các nhóm giải pháp mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trước mắt nên tiến hành rà soát toàn tuyến, tập trung thực hiện hai nhóm giải pháp đầu tiên. Ông Hùng đề nghị đối với các vị trí hay xảy ra TNGT, cần nâng hộ lan thêm khoảng 20cm so với hiện tại (1,4m), nhất là vị trí taluy âm ở đường cong. Đồng thời các gờ giảm tốc cũng cần nghiên cứu theo hướng “cưỡng bức” hơn để lái xe phải thực sự giảm tốc, đặc biệt ở các vị trí xuống dốc dọc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Thành - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông đề xuất có quan chức năng nên có giải pháp cưỡng bức lái xe buộc phải dừng một lần trong hành trình xuống dốc, nhất là đoạn từ Kon Tum xuống Quảng Nam để cân bằng tâm lý hoặc tránh cơn buồn ngủ khi đổ đèo. Theo ông Thành, tốc độ cho phép di chuyển tại các vị trí dốc liên tục và có độ dốc lớn cũng cần thay đổi theo hướng tuân thủ yếu tố hình học để giảm nguy cơ TNGT.
Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ 1/2005 - 6/2018 trên đoạn tuyến từ Km 1396 - Km1434 đường Hồ Chí Minh đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người. Các vụ TNGT cũng gây hư hỏng các phương tiện tập trung chủ yếu tại 4 đoạn gồm từ Km 1408+800 - Km 1411+300; từ Km 1418+250 - Km 1420+250; từ Km 1421+900 - Km1424+400; và từ Km 1427+500 - Km 1432. Các đoạn này thường có độ dốc lớn lên tới 10% (dốc dọc cho phép là 7%), độ dài liên tục (2-4,5km) quá lớn so với quy trình cho phép (600 - 800m).

Quý Nguyễn (Kinhtedothi)

Có thể bạn quan tâm