Sau vụ việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE cũng bị xướng tên trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung Ương.
Những ngày gần đây, việc cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra, xác minh về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, đang là câu chuyện thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Phiên giao dịch "để đời" ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết và câu hỏi trách nhiệm?
Nhìn lại diễn biến của cổ phiếu FLC từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, có thể thấy, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này đạt trên 820 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch là hơn 15.000 tỷ đồng.
Riêng trong phiên giao dịch ngày 10/1, đã có 135 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 20% tổng số cổ phiếu lưu hành (710 triệu cổ phiếu) đã được sang tay trong chỉ một ngày.
Biến động khối lượng, giá trị giao dịch qua các phiên của cổ phiếu FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. (Ảnh: LT) |
Cùng với đó, thị giá của cổ phiếu này cũng được đẩy lên cao, từ mức 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá 24.050 đồng/cổ phiếu (tăng 64%).
Đáng chú ý, trong phiên ngày 10/1, ông Trịnh Văn Quyết đã có hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Ngay sau đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã thông báo hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết và hoàn lại tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư khác trên thị trường vẫn bị "vạ lây" vì ảnh hưởng của giao dịch này tới cổ phiếu FLC nói chung và thị trường nói riêng. Bởi nếu ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu được công bố rộng rãi theo quy định, trước ngày thực hiện bán, nhà đầu tư có thể đánh giá mức độ ảnh hưởng và phản ứng trước khi giao dịch được thực hiện.
Thực tế, đây không phải là trường hợp cá biệt về bán chui cổ phiếu. Bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng từng có động thái tương tự trong quá khứ.
Bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng từng có động thái tương tự trong quá khứ. |
Thật trùng hợp, cũng trong giao dịch ngày 10/1,phiên giao dịch "để đời" của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC, cụm từ "rút phích" lại một lần nữa là từ khóa được nhắc tới ở nhiều diễn đàn chứng khoán khi xuất hiện sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) tại HoSE. Mặc dù thời gian không dài, nhưng không ít nhà đầu tư cho biết, họ không kịp trở tay với diễn biến này.
Sau sự việc liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, chia sẻ với báo giới ông Lê Hải Trà cho rằng, thao túng thị trường luôn là nguy cơ tiềm ẩn tại bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới. Thông lệ chung của cách thức ngăn chặn việc thao túng thị trường chứng khoán là bộ máy quản lý, giám sát thị trường chứng khoán có đủ thẩm quyền và quy định pháp luật xử lý vi phạm nghiêm khắc, từ dân sự đến hình sự.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra, với vai trò là Tổng giám đốc HoSE, có hay không trách nhiệm của ông Lê Hải Trà khi để những sự việc kể trên này xảy ra?
Cũng phải nói thêm rằng, trước đây 1 cổ phiếu tăng bất thường trong khoảng thời gian nhất định sẽ bị HoSE yêu cầu công bố thông tin, giải trình. Tuy nhiên từ lâu trên thị trường chứng khoán, động thái này dường như đã không còn được duy trì.
Thậm chí, chia sẻ với Dân Việt, một nhà đầu tư cho hay: "Theo thị trường gần 20 năm, chưa bao giờ có nhiều "đội lái" được "gọi tên" như hiện nay. Doanh nghiệp bưng bít thông tin. Và cũng chưa bao giờ chứng kiến 1 cổ phiếu có thể tăng 400%- 600% trong vòng 1-2 tháng". Vậy vấn đề nằm ở đâu? Câu trả lời có lẽ chỉ có cơ quan chức năng mới có thể giải đáp.
Mới đây, một kết luận đã phần nào làm sáng tỏ trách nhiệm của mỗi bên khi để tình trạng như hiện nay. Trong kỳ họp thứ 13 vừa diễn ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, UBKT Trung ương nhận thấy: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Ông Lê Hải Trà và nhiều lãnh đạo chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ảnh SGGP |
Chân dung Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà
Theo tìm hiểu, ông Lê Hải Trà sinh năm 1974. Ông có bằng thạc sỹ quản lý công (MPA), với chuyên ngành kép lãnh đạo và phân tích thị trường tài chính từ đại học Harvard Kennedy (Mỹ).
Trước khi gia nhập ngành chứng khoán, ông Lê Hải Trà từng làm việc tại một công ty kiểm toán nước ngoài, đến năm 1997 chuyển sang công tác tại Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Lê Hải Trà được cho là có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình chuẩn bị khai trương hoạt động của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM năm 2000.
Năm 2006, ông Lê Hải Trà được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Trung tâm GDCK TP.HCM. Đến giữa tháng 8/2017, ông được bầu vào vị trí phụ trách điều hành HĐQT HoSE thay cho ông Trần Văn Dũng.
Tháng 2/2021, giữa lùm xùm liên quan đến việc hệ thống HoSE nghẽn lệnh, ông Lê Hải Trà vẫn được Bộ Tài chính bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc HoSE.
Vào hồi tháng 1, trên các trang mạng xã hội đã lan truyền tin đồn về việc ông Lê Hải Trà đã bị cơ quan công an bắt. Ngay sau thông tin này, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ra thông báo khẳng định, đó là thông tin bịa đặt.
Theo Huyền Anh (Dân Việt)