Kinh tế

Tổng kinh phí thực hiện khuyến công giai đoạn 2012-2022 đạt hơn 60 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 21-4, tại TP. Pleiku, Sở Công thương Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công và triển khai hoạt động khuyến công năm 2023.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: V.T
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: V.T

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cùng các đơn vị thụ hưởng nguồn vốn khuyến công.

Trong giai đoạn 2012-2022 tổng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn là 60,182 tỷ đồng; trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia 12,982 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương 4,205 tỷ đồng, nguồn kinh phí đối ứng của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) 42,995 tỷ đồng. Số lượng cơ sở CNNT thụ hưởng chính sách khuyến công theo loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa có 23 đơn vị, hợp tác xã 8 đơn vị, hộ kinh doanh 18 đơn vị; có 3 cơ sở CNNT thuộc địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách khuyến công.

Từ nguồn kinh phí này đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề nhằm khôi phục, củng cố, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, tạo việc làm, tăng thu nhập trực tiếp cho người lao động, người đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 478 triệu đồng; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT qua việc hỗ trợ tổ chức 7 lớp đào tạo với trên 350 học viên viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp với nguồn vốn khuyến công quốc gia là 2,630 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của doanh nghiệp đầu tư vào dây chuyền sản xuất đạt 29,916 tỷ đồng; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến nhằm hướng tới xây dựng chuỗi liên kết từ thu mua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển theo mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao, gắn với phát huy lợi thế của địa phương, với nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ 25 đề án cho 39 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí 7,318 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là 2,641 tỷ đồng; hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển cụm công nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công.

Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ. Ảnh: V.T
Việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ. Ảnh: V.T

Theo đánh giá, đa số các đơn vị thụ hưởng được hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt được cấp khu vực, cấp quốc gia, tạo động lực tiếp tục phát triển. Thông qua các hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm đã giúp các cơ sở CNNT kết nối, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiệu thụ và giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc đưa các sản phẩm CNNT của tỉnh tham gia tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia là cơ hội để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp đến với các vùng miền trên khắp cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận, kiến nghị liên quan như quá trình triển khai công tác khuyến công còn một số tồn tại, hạn chế do kinh phí khuyến công địa phương còn thấp so với nhu cầu đầu tư của các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh; hiện vẫn còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa được tiếp cận về nội dung cũng như thông tin hỗ trợ kinh phí khuyến công; việc quy định thời gian từ đăng ký xây dựng kế hoạch khuyến công đến lúc triển khai thực hiện khá dài, nên khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề như thay đổi đơn vị thụ hưởng, mức đầu tư, thông số kỹ thuật của thiết bị nên phải làm thủ tục xin điều chỉnh kế hoạch, đề án. Do đó, cần có sự phối hợp giữa ngành công thương và địa phương trong triển khai xây dựng đề án để sát với thực tế và nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; ngoài ra cần đẩy mạnh tuyên truyền để giúp các cơ sở CNNT nắm bắt kịp thời các chính sách và nội dung hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh, từ đó tích cực chủ động tham gia…

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: V.T
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: V.T

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương cho biết công tác khuyến công trong 10 năm đạt được kết quả rất quan trọng. Kinh phí khuyến công đã tăng lên đáng kể trong một vài năm gần đây. Ngành Công thương đã nỗ lực phấn đấu triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua hỗ trợ kinh phí khuyến công hàng năm. Trước những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện, thời gian tới Sở đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, đổi mới trong công tác khuyến công, trong đó chú trọng ở các khâu khảo sát, xây dựng đề án, thẩm định, xét duyệt đến khâu thực hiện. Tích cực triển khai các đề án khuyến công, đẩy mạnh hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh của địa phương, từ đó hỗ trợ vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đạt được cấp khu vực, cấp quốc gia, tạo động lực cho các cơ sở, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Sở sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị để thực hiện tốt hơn công tác khuyến công trong thời gian tới. Đối với những kiến nghị, giải pháp không thuộc thẩm quyền, Sở sẽ tổng hợp trình Bộ Công thương xem xét giải quyết.

V.T

Có thể bạn quan tâm