Sức khỏe

Tin tức

Tổng thống Mexico tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Lopez Obrador cho biết, trong tháng 1/2021, cơ quan chức năng sẽ hoàn tất tiêm chủng cho đội ngũ y tế và sau đó sẽ tiêm cho người cao tuổi từ tháng 2/2021.

 Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. (Nguồn: Getty Images)
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. (Nguồn: Getty Images)


Ngày 12/1, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo sẽ tiêm vắcxin ngừa COVID-19 CanSiniBio của Trung Quốc theo đúng kế hoạch tiêm chủng toàn quốc đã đề ra.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Lopez Obrador cho biết, trong tháng 1/2021, cơ quan chức năng sẽ hoàn tất tiêm chủng cho đội ngũ y tế và sau đó sẽ tiêm cho người cao tuổi từ tháng 2/2021.

Theo đó, vắcxin Pfizer/BioNTech sẽ được tiêm cho người cao tuổi ở khu vực nông thôn, vắcxin Sputnik V của Nga sẽ tiêm cho người cao tuổi ở các thành phố tầm trung, và vắcxin CanSinoBio tiêm cho người cao tuổi ở các thành phố lớn. Dự kiến, từ tháng 1-3/2021, Mexico sẽ tiếp nhận 8 triệu liều vắcxin CanSinoBio của Trung Quốc.

Mexico đã tiếp nhận trên 500.000 liều vắcxin Pfizer/BioNTech và triển khai tiêm chủng từ ngày 24/12/2020. Theo kế hoạch, Mexico sẽ mua 198 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm để tiêm miễn phí cho người dân.

Mexico hiện là trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận trên 1,54 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 135.000 ca tử vong.

Canada chưa có kế hoạch chia sẻ vắcxin cho nước khác

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, đáp lại lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sự trợ giúp ngay lập tức vắcxin phòng COVID-19 cho các nước thu nhập thấp hơn, Chính phủ Canada cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kế hoạch phân phối lại lượng vắcxin dư thừa của quốc gia Bắc Mỹ này.

Canada đã ký hợp đồng với các nhà sản xuất để mua tới 414 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 - gấp khoảng năm lần so với nhu cầu của người dân.

Thủ tướng Justin Trudeau hồi tháng 12/2020 cho biết số vắcxin dôi dư sẽ được tặng cho sáng kiến COVAX để hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Tuy nhiên Thủ tướng không cho biết liệu chính phủ Canada có chờ để tiêm chủng cho toàn bộ người dân Canada trước khi quyên góp hay không.

COVAX Facility là một sáng kiến toàn cầu, đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển và sản xuất vắcxin phòng COVID-19 và đảm bảo việc tiếp cận vắcxin được công bằng và bình đẳng đối với tất cả các nước.

Tuần trước, Thủ tướng Trudeau có cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thảo luận về COVAX và vấn đề "tiếp cận công bằng và hiệu quả với vắcxin."

Nhưng không có chi tiết nào về cuộc thảo luận được tiết lộ. Tháng trước, các quan chức Nam Phi đã cảnh báo về "nạn phân biệt chủng tộc liên quan đến vắcxin" và "hố sâu bất công" trong các giao dịch giữa các nước giàu có và các nhà sản xuất vắcxin.

Trong số 28 triệu liều vắcxin đã được tiêm trên toàn thế giới trong những tuần gần đây, gần như không có liều nào được tiêm ở châu Phi. Ông Ramaphosa cho biết châu Phi sẽ cần khoảng 1,5 tỷ liều vắcxin để bảo vệ người dân của lục địa Đen.

Indonesia nhận thêm 15 triệu liều vắcxin Sinovac

Còn tại Indonesia, nước này đã tiếp nhận lô vắcxin thứ 3 ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất chỉ một ngày trước khi chiến dịch tiêm chủng toàn quốc được khởi động tại quốc gia Đông Nam Á này.

 

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)


Lô vắcxin Sinovac thứ 3 này bao gồm 15 triệu liều đã được chuyển đến Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta vào ngày 12/1. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vào ngày 6/12/2020 và thêm 1,8 triệu liều khác vào ngày 31/12/2020.

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm quốc gia ngừa COVID-19 - ông Doni Monardo đã kêu gọi công chúng tiếp tục tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt về y tế bất chấp chiến dịch tiêm chủng sắp tới.

Lực lượng trên đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến trong 2 tháng qua. Theo số liệu chính thức, hiện có khoảng 123.000 bệnh nhân đang được chữa trị, cao hơn gấp đôi so với mức 54.000 ca hồi tháng 11 năm ngoái.

Ông Doni cho biết chính phủ đã cố gắng tăng số giường bệnh để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, song sẽ không đủ để tiếp nhận tất cả các bệnh nhân trên toàn quốc.

Trước đó, ngày 11/1, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã chính thức cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vắcxin của công ty Sinovac.

Quyết định này được đưa ra sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại huyện Bandung, thuộc tỉnh Tây Java của Indonesia  cho thấy loại vắcxin này đạt hiệu quả 65,3%, thấp hơn mức 91,24% và 78% được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil xác nhận, song cao hơn ngưỡng 50% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cũng trong ngày 11/1, Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (MUI) cũng chính thức ban hành sắc lệnh tôn giáo (fatwa) trong đó công nhận vắcxin Sinovac đạt chuẩn halal và cho phép những người Hồi giáo được sử dụng.

EUA của BPOM và fatwa của MUI đã mở đường cho chính phủ Indonesia khởi động chiến dịch tiêm chủng miễn phí trên toàn quốc vào ngày 13/1.

Dự kiến, Tổng thống Joko Widodo sẽ là người đầu tiên được tiêm vắcxin Sinovac trong một buổi lễ được truyền hình trực tiếp, nhằm thuyết phục người dân rằng vắcxin do chính phủ cung cấp là an toàn.

Sau ông Widodo, 1,3 triệu nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm vắcxin trong giai đoạn đầu. Giai đoạn hai sẽ tiêm chủng cho 17,4 triệu đối tượng khác ở tuyến đầu cùng 21,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Tiếp đó, 63,9 triệu người ở các khu vực có nguy cơ cao sẽ được tiêm vắcxin trong giai đoạn ba.

Theo Việt Hùng-Hương Giang-Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm