Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Tổng thống Putin ký luật thu hồi phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đạo luật thu hồi việc Nga phê chuẩn CTBT nhằm khôi phục lại sự bình đẳng của Nga đối với Mỹ, quốc gia cũng tham gia ký kết vào năm 1996 nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này.
Tên lửa đạn đạo Bulava được phóng từ tàu ngầm hạt nhân Generalissimus Suvorov của Nga trên Biển Trắng, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Archive/TTXVN)

Tên lửa đạn đạo Bulava được phóng từ tàu ngầm hạt nhân Generalissimus Suvorov của Nga trên Biển Trắng, ngày 3/11/2022. (Ảnh: Archive/TTXVN)

Chính phủ Nga ngày 2/11 xác nhận Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật thu hồi việc Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT).

Moskva cho biết đạo luật trên nhằm khôi phục lại sự bình đẳng của Nga đối với Mỹ, quốc gia cũng tham gia ký kết vào năm 1996 nhưng chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước này.

Điện Kremlin nhấn mạnh rằng Nga sẽ không khôi phục lại các hoạt động thử hạt nhân trừ khi Washington làm điều đó.

Trước đó, trong phiên họp toàn thể ngày 25/10, Hội đồng liên bang Nga (tức Thượng viện) đã nhất trí thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT).

Theo hãng thông tấn TASS, toàn bộ 156 thành viên Hội đồng bỏ phiếu ủng hộ dự luật này. Tài liệu đính kèm dự luật nêu rõ văn kiện này có mục đích đưa Nga trở lại vị thế cân bằng trong kiểm soát vũ khí.

Dự luật hủy bỏ điều 1 trong đạo luật liên bang về “Phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện.” Tên chính thức của đạo luật cũng được thay đổi, theo đó bỏ từ “phê chuẩn.”

Tài liệu cũng nhấn mạnh đạo luật cho phép Nga hủy bỏ văn bản phê chuẩn hiệp ước, trong khi vẫn là một bên của hiệp ước với toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện được Nga ký tại New York (Mỹ) ngày 24/9/1996 và phê chuẩn ngày 27/5/2000. Đây là công cụ pháp lý quốc tế cơ bản để chấm dứt mọi loại thử nghiệm hạt nhân.

Tuy nhiên hiện hiệp ước chưa có hiệu lực do 8 trong số 44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân chưa phê chuẩn.

Có thể bạn quan tâm