Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tổng thống Ucraine đề cập triển vọng đàm phán hòa bình với Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 20/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến triển vọng đàm phán hòa bình với Nga.
Tổng thống Zelensky. Ảnh: PLVN

Tổng thống Zelensky. Ảnh: PLVN

Ông cho biết, "công thức hòa bình" 10 điểm mà ông đưa ra cuối năm ngoái phải là văn bản duy nhất làm nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm tiềm tàng nào với Nga. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Ông Zelensky lần đầu nêu công thức hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái. Theo ông Zelensky, đến nay có 63 cơ quan ngoại giao đang hợp tác để thúc đẩy việc thực hiện các điểm của công thức hòa bình do ông đề xuất.Trong số các điều kiện nêu trong công thức này có khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, Nga phải rút quân và ký kết vào văn bản chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

Trong khi đó Nga cho rằng, các điều kiện mà Ukraine đưa ra là "không thể chấp nhận được". Moscow nhấn mạnh, Kiev cần công nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là công nhận sự kiểm soát của Nga đối với Crimea và 4 tỉnh gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk, Lugansk- những vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Báo Wall Street Journal mới đây dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng một số quan chức phương Tây gợi ý Ukraine nên chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt chiến tranh với Nga trong bối cảnh xung đột kéo dài và trở thành cuộc chiến thiệt hại.

Theo nguồn tin này, Mỹ và đồng minh chủ chốt ở châu Âu muốn ngăn chặn Nga giành chiến thắng trên chiến trường. Song họ cũng lo ngại rủi ro khi tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Một số quan chức cho rằng Mỹ và các đồng minh không để Ukraine tự quyết mục tiêu cuối cùng.

Sau khi thăm Hà Lan, ông Zelensky cũng được thông báo thăm Đan Mạch nhằm thảo luận về mẫu chiến đấu cơ F-16 và việc huấn luyện cho phi công Ukraine tại quốc gia Bắc Âu này. Thông báo nêu rõ: “Đan Mạch hoàn toàn ủng hộ Ukraine và sẵn sàng hỗ trợ những gì cần thiết”.

Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết, nước này chấp thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine ngay sau khi khóa huấn luyện phi công Ukraine lái loại máy bay này hoàn tất. Washington chính thức đảm bảo với Đan Mạch và Hà Lan rằng Mỹ sẽ nhanh chóng phê duyệt tất cả các yêu cầu chuyển giao F-16 của bên thứ ba cho Ukraine.

Có thể bạn quan tâm