Chính trị

Tin tức

Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968-Bản hùng ca bất tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 50 năm trôi qua song diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn in đậm trong ký ức của bao người. Tại hội thảo về Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Lai do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, những nhân chứng và các nhà nghiên cứu một lần nữa khẳng định những giá trị lịch sử to lớn của sự kiện này.

Ký ức hào hùng

Đúng 0 giờ 55 phút ngày 31-1-1968, Tiểu đoàn Đặc công 408 (thuộc Tỉnh đội Gia Lai) nổ súng và dùng bộc phá đánh vào cơ quan Quân đoàn II của ngụy, Khu biệt động Biển Hồ. Cùng thời điểm này, một mũi tấn công khác của quân ta đánh vào Tiểu đoàn Bảo an Tiểu khu Pleiku, Đại đội Thám báo Biệt kích và phá Nhà lao Pleiku đưa 200 tù nhân bị địch bắt giam thoát ra ngoài an toàn. Kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn Gia Lai, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 tên địch, phá hủy 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo và đốt cháy nhiều kho xăng dầu của địch, giải phóng hơn 2.000 dân và thành lập chính quyền thôn, xã ở các vùng giải phóng.

 

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 408 tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 bồi hồi ngày gặp lại. Ảnh: V.H
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 408 tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 bồi hồi ngày gặp lại. Ảnh: V.H

Những ngày cùng đơn vị hành quân vượt sông Pô Cô kéo pháo vào trận địa đánh địch đêm Giao thừa năm 1968 vẫn còn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Công Trứ-nguyên pháo thủ Tiểu đoàn Pháo binh K31. “Nhận nhiệm vụ dùng hỏa lực đánh vào Sân bay Aria, Sân bay Cù Hanh và trạm ra-đa của địch, chúng tôi phải hành quân qua những cánh rừng thưa thuộc huyện Chư Pah bây giờ để bí mật bố trí trận địa gần với thị xã Pleiku đợi hiệu lệnh nổ súng. Đúng giờ quy định, đơn vị dùng các loại pháo bắn cấp tập vào các vị trí của địch. Cú tập kích mạnh, bất ngờ đã làm cho địch hoang mang; nhiều máy bay, kho xăng và trạm ra-đa của địch bị phá hỏng tạo điều kiện để các mũi tấn công tiến đánh các cơ sở quan trọng của địch ở nội thị”-ông Trứ kể.

Ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, nhớ lại: Trước Tết Mậu Thân 1968, trong nội thị Pleiku đã có gần 20 tổ công tác của tỉnh được cử vào làm công tác vận động quần chúng, binh vận và chuẩn bị dẫn đường cho các đơn vị bộ đội tiến đánh các cơ sở quan trọng của Mỹ-ngụy. Thời điểm ta nổ súng, địch bất ngờ nên bị thiệt hại nặng. Các đơn vị của ta đã luồn sâu, đánh hiểm tạo nên được tiếng vang lớn. Tuy nhiên, sau đó, địch kịp thời củng cố lực lượng và phản công, đồng thời tổ chức ngăn chặn không cho lực lượng quần chúng kéo vào nội thị. Ông cùng một số đồng chí bị kẹt lại trong nội thị và bị địch bắt giam, đến năm 1975 mới được trả tự do.

Bài học lịch sử vô giá

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo về Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Lai, đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân trên khắp miền Nam nói chung và Gia Lai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, làm cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta. Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian diễn ra cuộc tấn công đã anh dũng, kiên cường, hy sinh cả xương máu của mình để làm nên chiến công này. Phát huy thắng lợi ấy, chúng ta cần tiếp tục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Còn bà Rơ Châm H’Yéo-nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nêu lên một thực trạng đáng suy ngẫm: “Hiện nay, một số thanh niên sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội mà không biết chọn lọc nên đã phủ nhận chiến thắng Mậu Thân 1968. Họ có những suy nghĩ không đúng về lịch sử. Chính vì thế, chúng ta cần giáo dục, tuyên truyền về giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của chiến thắng này để thế hệ trẻ hiểu được công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước”.

Thiếu tướng Lê Quang Xuân-Chính ủy Quân đoàn 3, khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm rung chuyển nước Mỹ, tạo tiền đề thuận lợi trên chiến trường để quân, dân ta tiếp tục làm nên những chiến công vang dội. Trong cuộc chiến ấy, nhiều đơn vị của Mặt trận B3, sau này là lực lượng của Quân đoàn 3, đã anh dũng chiến đấu ngoan cường. Ngày nay, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy vẫn là những kinh nghiệm quý cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về chiến thắng này để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ tự hào về truyền thống của thế hệ cha anh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, vun đắp lòng trung thành với Đảng, tình yêu Tổ quốc, đất nước và nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc”-Thiếu tướng Lê Quang Xuân khẳng định.

Một trong những bài học quý rút ra từ chiến thắng này đó là tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng tỉnh, lý giải: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhân dân khu vực nội thị Pleiku đã đùm bọc, che chở những tổ công tác và các chiến sĩ bị kẹt lại do địch vây ráp, truy lùng. Hay ở khu 3 (nay là huyện Đak Đoa và Mang Yang), nhân dân đã đào hầm, giấu quân và cất vũ khí từ trước, chuẩn bị lực lượng chính trị để đấu tranh. Sau khi tiếng súng Tết Mậu Thân 1968 vang lên, hơn 10.000 dân ở các địa phương đã tập trung kéo về nội thị đấu tranh chính trị. Mặc dù bị địch chặn đánh, nhiều người hy sinh, lực lượng quần chúng không vào được nội thị nhưng qua đó cho thấy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm