(GLO)- Thường niên, cứ tầm thời điểm này, các vùng chuyên rau trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku nói riêng lại bắt đầu tất bật xuống giống và chăm sóc kỹ càng cho lứa rau cuối trong năm để kịp cung ứng thị trường Tết. Diện tích rau xanh được tiết giảm, thay vào đó là sự “lên ngôi” của các loại củ, quả.
Xã An Phú luôn chộn rộn nhất vào mỗi dịp cuối đông. Bên cạnh không khí hối hả chuẩn bị cho hoa Tết, người dân nơi đây cũng dành sự chăm chút không kém cho rau màu. Từ sáng sớm, dù tiết trời khá lạnh nhưng ai cũng có mặt bên ruộng rau để tưới nước, làm cỏ, phun thuốc hay theo dõi tỷ lệ nảy mầm những luống mới gieo.
Diện tích rau cải, cúc… giảm mạnh trong vụ Tết. Ảnh: Hồng Thi |
Theo đánh giá của nhiều nông dân, vụ rau màu phục vụ Tết Giáp Ngọ năng suất cơ bản đảm bảo, phong phú và đa dạng về chủng loại. Trừ rau thơm (hành, rau răm, diếp cá, ngò, quế…), còn lại các loại rau khác như: cải, cúc, muống… đều được cánh nhà nông giảm diện tích vì thị trường Tết ít có nhu cầu, rau làm ra sẽ không tiêu thụ được. Thay vào đó, củ-quả (cà rốt, cà chua, su hào, củ cải, khổ qua, các loại cây họ đậu, các loại khoai…) trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập chính cho bà con lúc Xuân về.
Mùa Tết mọi năm chỉ đầu tư cho hoa, cây kiểng, song năm nay, ông Võ Đăng Hùng (thôn 11, xã An Phú) cũng “rót” thêm vốn, bỏ thêm công để trồng hành và cà chua. Theo chia sẻ của ông, đó là 2 loại cây trồng thị trường có nhu cầu lớn mà giá cả lại cao và ổn định, do đó sẽ rất dễ bán. “Cà chua tôi vừa mới xuống giống xong, còn hành thì đã lên được nửa gang tay. Tôi cũng đang tính trồng thêm một ít hành nữa. Sản xuất loại này chẳng lo rủi ro nhiều, nếu không bán tươi hết trong Tết thì lấy củ phơi khô bán sau đó”- ông Hùng vui vẻ nói.
Anh Nam phun thuốc cho đậu cô-ve. Ảnh: Hồng Thi |
Tay không ngơi ngắt bỏ những chiếc lá bị sâu ăn trên giàn đậu cô-ve, chị Nguyễn Thị Sự (thôn 12, xã An Phú), cho hay: “Năm nay, gia đình tôi trồng 1 sào đậu cô-ve, 4 sào gồm su hào, ngò và một ít cải, cúc. Thời tiết cuối mùa lạnh nhưng nắng nhiều nên cũng không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của rau. Khoảng mùng 10 tháng Chạp là số đậu này sẽ cho thu hoạch, giá chắc cũng tầm 10.000-11.000 đồng như năm ngoái hoặc có thể nhỉnh hơn chút”.
Đang phun thuốc sâu cho những dãy đậu bên cạnh, anh Nam-chồng chị-tiếp lời: “Các thương lái nói rằng, do ảnh hưởng của mấy đợt bão lụt mà khu vực miền Trung không sản xuất được rau màu. Vì thế, nguồn cung rau Tết có thể bị hạn chế và khan hiếm, giá cả nhờ vậy mà cũng sẽ tăng lên từ 5% đến 10%. Bà con chúng tôi nghe thế cũng mừng, làm ăn cả năm chỉ mong được giá mà ăn Tết cho ngon”.
Người trồng rau đặt nhiều trông đợi vào một vụ mùa bội thu, được giá. Ảnh: Hồng Thi |
Chia sẻ của anh Nam cũng là nhận định và niềm vui chung của nông dân An Phú. Dù rau, màu được trồng quanh năm, nhưng vụ Tết vẫn được nhiều người xem là vụ chính và đặt nhiều mong đợi. Tình hình thời tiết thuận lợi và thị trường khả quan như hiện tại, hứa hẹn sẽ mang đến cho bà con nơi này một vụ rau được mùa, được giá. Niềm vui Tết đến Xuân về, vì thế, cũng trở nên mỹ mãn và ấm áp hơn.
Hồng Thi