Trà Đa: "Đất lành, chim đậu"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã hơn 45 mùa xuân kể từ ngày các hộ dân phường Hoa Lư và Diên Hồng (thị xã Pleiku bấy giờ) tình nguyện ra Trà Đa xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua bao khó khăn, thăng trầm, với ý chí, nghị lực và sự cần cù của con người, vùng đất vốn là chiến địa ác liệt năm nào trở nên trù phú.

Tháng 10-1976, điểm kinh tế mới Trà Đa được hình thành. 5 năm sau, xã Trà Đa chính thức được thành lập. Trong những ngày đầu, cán bộ và người dân Trà Đa gặp vô vàn khó khăn khi cơ sở hạ tầng còn hết sức nghèo nàn. Nhưng với tinh thần lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tập thể cán bộ và người dân xã Trà Đa đã đưa kinh tế-xã hội tăng trưởng vượt bậc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa; 100% tuyến đường chính ở các thôn và trên 75% tuyến đường nội đồng đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia…

Diện mạo nông thôn xã Trà Đa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn
Diện mạo nông thôn xã Trà Đa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Quang Tấn


Nhớ lại những ngày đầu rời khu vực nội thị Pleiku ra vùng đất mới lập nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng (thôn 2) không khỏi bùi ngùi: “Dù chỉ cách nội thị Pleiku khoảng 8 km nhưng đường sá khó khăn, cách trở nên việc giao thương, buôn bán hàng hóa gặp nhiều trắc trở. Điện-đường-trường-trạm gần như chưa được đầu tư, nhà cửa thì tạm bợ. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu vốn, kỹ thuật canh tác, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết… nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Nhưng “đất không phụ lòng người”, cùng với việc được Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Đặc biệt, kể từ khi gia đình chuyển sang trồng cà phê, nuôi heo sinh sản thì đời sống được cải thiện đáng kể, thu nhập tăng dần qua các năm”.

Còn ông Lê Đình Chiến (thôn 4) hồi tưởng: “Trước đây, từ nhà muốn ra trung tâm xã hay đi chợ mua thức ăn thì phải lội bộ qua cánh đồng rộng, vào mùa mưa bão thì lại càng trắc trở. Đường sá chia cắt nên việc phát triển kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn. Bây giờ, đường được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa đến tận ngõ, diện mạo nông thôn đổi thay rất nhiều, đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển, nhà cửa khang trang, sạch đẹp hơn”.

Theo ông Bùi Văn Phúc-Chủ tịch UBND xã Trà Đa, địa phương có lợi thế đất đai rộng, màu mỡ, phù hợp với trồng cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cây ăn quả và rau màu các loại. Ngay từ khi mới thành lập, Trà Đa đã xác định nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu nên tập trung triển khai nhiều giải pháp đột phá. Đặc biệt, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn người dân liên kết, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó, xã đã từng bước hình thành các vùng liên kết với doanh nghiệp sản xuất tập trung một số cây trồng chủ lực như: cà phê, rau màu, hoa… mang lại hiệu quả cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân cũng từng bước phát triển theo hướng trang trại, gia trại và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, các ngành nghề khác cũng được quan tâm. Đặc biệt, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư. Năm 2001, Khu Công nghiệp Trà Đa được hình thành và đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương phát triển. Hiện toàn xã có khoảng 41 doanh nghiệp, trong đó có 28 doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghiệp Trà Đa và 273 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể. Nhờ đó, từ một xã nghèo nàn, lạc hậu, có thu nhập bình quân đầu người 3 triệu đồng/năm, đến nay thu nhập bình quân đầu người tăng lên 41 triệu đồng/năm.

 Rẫy cà phê rộ bông khoe sắc trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần báo hiệu thêm vụ mùa bội thu. Ảnh: Quang Tấn
Rẫy cà phê của người dân xã Trà Đa khoe sắc hoa trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần báo hiệu vụ mùa bội thu. Ảnh: Quang Tấn


“Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, chú trọng kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ngành thương mại-dịch vụ nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao đời sống cũng như thu nhập cho người dân. Phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo”-Chủ tịch UBND xã Trà Đa thông tin.

Trong không khí những ngày đầu xuân Nhâm Dần, nhịp sống mới ở Trà Đa tiếp diễn với sự hối hả của người dân trên những đồng ruộng xanh tốt hay những rẫy cà phê đang nở rộ hoa sẽ tiếp tục cho những mùa màng bội thu. Tận mắt chứng kiến những đổi thay của nông thôn Trà Đa hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về nghị lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu của người dân nơi đây.

 

 QUANG TẤN