(GLO)- Chỉ vì 500 ngàn đồng tiền công giúp người khác vượt biên sang Thái Lan mà 2 đối tượng đã phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng thiếu hiểu biết pháp luật, gây mất ổn định an ninh chính trị tại địa phương.
Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” với 2 bị cáo Kpă Pĩn (SN 1992) và Rmah Lum (SN 1996, cùng trú tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê).
Theo hồ sơ vụ án, Rmah Ayeng (SN 1949, trú tại xã Hbông, huyện Chư Sê) là đối tượng đã vượt biên sang Thái Lan. Khoảng tháng 6-2020, thông qua mạng xã hội Facebook, Ayeng nói rằng không thể về Việt Nam nên lôi kéo vợ con trốn sang Thái Lan để đoàn tụ gia đình. Cùng thời gian này, ông Jôr (SN 1975, trú tại xã Bar Măih, huyện Chư Sê) cũng có nhu cầu tìm đường sang Thái Lan để làm thuê.
Ayeng đã liên lạc với Pĩn và Lum thỏa thuận đưa vợ con mình cùng ông Jôr trốn sang Thái Lan. Theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ayeng và sự giúp sức của Pĩn và Lum, ngày 1-7-2020, ông Jôr cùng với vợ, con và cháu của Ayeng là: bà Kpă H’Pyek, chị Kpă H’Phen và cháu Kpă Ru Ni theo tuyến xe khách từ huyện Chư Sê vào Bến xe Miền Đông (TP. Hồ Chí Minh). Khi nhóm người này đến TP. Hồ Chí Minh thì có người dẫn đường do Ayeng bố trí từ trước đón và đưa sang Campuchia, sau đó sang Thái Lan.
Quá trình tổ chức cho các đối tượng vượt biên sang Thái Lan, Pĩn và Lum được ông Jôr trả mỗi người 500 ngàn đồng. Khi nhóm vượt biên đặt chân đến Thái Lan thì bị Cảnh sát bắt giữ và trao trả cho lực lượng chức năng Campuchia. Sau đó, phía Campuchia đã trao trả 4 người này cho lực lượng chức năng Việt Nam. Ngày 10-7-2020, 4 người được Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để thực hiện việc cách ly phòng-chống dịch Covid-19.
Đông đảo người dân đã đến theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm 2 bị cáo Kpă Pĩn và Rmah Lum. Ảnh: Lê Văn Ngọc |
Tại phiên tòa, bà H’Pyek cho hay: Vì tin lời chồng nên đã bán hết trâu, bò, xe cộ… để lấy tiền trốn sang Thái Lan. Bà H’Pyek giãi bày: “Tôi không nghĩ là tới Thái Lan bị Cảnh sát bắt và đưa trở về nước như vậy. Chồng tôi nói rằng sang đó cũng làm việc vất vả lắm nhưng muốn gia đình ở cùng nhau nên mẹ con tôi mới vượt biên. Giờ tài sản mất hết rồi, mẹ con tôi phải làm lại từ đầu”.
Cũng như bà H’Pyek, ông Jôr cũng rất ân hận vì trót nghe theo lời xúi giục. “Nghe mấy người nói rằng đi Thái Lan kiếm được nhiều tiền nên tôi mới quyết tâm đi xa chịu vất vả một chuyến để kiếm tiền gửi về cho vợ con. Tôi phải bán bò và vay mượn của họ hàng mới có 20 triệu đồng để chi phí. Vừa tới nơi hết sạch tiền thì bị Cảnh sát bắt giữ. Biết sang đó mà phải trốn Cảnh sát như vậy thì tôi không bao giờ đi. Giờ tôi sợ lắm rồi”-ông Jôr bộc bạch.
Chỉ vì 500 ngàn đồng mà Pĩn phải trả giá bằng một khoảng thời gian dài sau song sắt nhà tù. Trong khi đó, Lum đã có vợ và 2 con nhỏ. “Thời gian qua, bị cáo rất hối hận về hành vi của mình, chỉ mong được sớm ra tù để trở về cùng với vợ nuôi các con”-Lum buồn bã.
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hương Sen-đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện quyền công tố tại phiên tòa-nhấn mạnh: “Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào trật tự quản lý hành chính, xâm phạm vào chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước, gây mất trật tự trị an tại khu vực biên giới”. Kết thức phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Pĩn 3 năm tù và Lum 2 năm tù cùng về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
LÊ GIA