Bạn đọc

Trả lời về việc trưng bày tượng gỗ trong khu vườn tượng Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Vừa qua, Báo Gia Lai có nhận được thư của ông Kpuih Yxê (trú tại TP. Pleiku) không đồng tình với cách trưng bày vườn tượng Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh. Mới đây, Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai có công văn số 05/BC/VHDL trả lời Báo Gia Lai và ông Kpuih Yxê về vấn đề trên.

Khu vườn tượng nhà mồ được tái hiện sinh động theo hình tượng nhà mồ của các dân tộc Bắc Tây Nguyên. Tượng nhà mồ là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, một nét đặc sắc văn hóa cổ truyền Tây Nguyên. Qua bàn tay sáng tạo của các nghệ nhân, tượng nhà mồ vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa tâm linh, mang tính xã hội, tính cộng đồng sâu sắc.
Các tượng được trưng bày trong khu vườn tượng Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh gồm hàng trăm tượng ở các nhóm tượng: Tượng sinh hoạt gia đình, tượng thú vật, tượng sinh tồn. Trong đó, các tượng ở nhóm tượng sinh hoạt gia đình, tượng thú vật với số lượng nhiều được trưng bày ở những vị trí rộng rãi; riêng nhóm tượng sinh tồn với số lượng ít được lắp đặt phía sau nhà mồ đan xen bởi các loại cây xanh che chắn. Các tượng sinh tồn là tượng cổ nhất, nó thể hiện sự tái sinh hay sinh thành ra con người. Trong nhóm tượng này có nhiều nội dung khác nhau: Cặp đôi nam nữ giao phối, nam nữ khoe bộ phận sinh dục, tượng đàn ông, đàn bà với các “công cụ” sinh tồn mang ý nghĩa để khuyên con cháu phải biết tiếp nối sự phát triển của dòng tộc mình. Đây là một đặc điểm cơ bản của tượng gỗ Tây Nguyên mà các dân tộc khác thường không miêu tả. Các tượng mang ý nghĩa phồn thực này là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà nhiều công viên lớn ở nhiều tỉnh thành khác đều có trưng bày.
Các tượng nhà mồ đặt tại khu vườn tượng Tây Nguyên tại Công viên Đồng Xanh chúng tôi căn cứ vào tượng có thực hiện đang tồn tại trong đời sống các dân tộc ở Bắc Tây Nguyên và được nhiều công trình nghiên cứu đã in ấn, phát hành rộng rãi trong cả nước. Đây là việc làm phù hợp với thực tế nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc Bắc Tây Nguyên, đồng thời tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng của Gia Lai được đa số khách tham quan và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoan nghênh, ủng hộ.

Có thể bạn quan tâm