Du lịch

Hành trang lữ hành

Trải nghiệm du lịch qua ẩm thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hàng trăm món ngon có tại Ngày hội ẩm thực Gia Lai diễn ra từ ngày 8 đến 11-7 tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh đã mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm mới lạ. Vẫn là nguyên liệu quen thuộc song qua hình thức chế biến mới lạ, món ăn trở nên độc đáo, kích thích vị giác của thực khách.

Tăng chất cho món ăn

Vẫn là món ốc bươu nhồi thịt nhưng khi được hấp cách thủy, món ăn dân dã đã nâng tầm giá trị. Nguyên liệu tự nhiên như tre nứa cũng được các đầu bếp sử dụng để chế biến món ăn như thịt heo, dê hấp ống nứa, cơm lam đã kích thích thị giác trước khi đi vào dạ dày thực khách. Hay trong một chiều Phố núi se lạnh đứng cạnh bếp than hồng, nghe dậy mùi thơm và tiếng xèo xèo trên lớp da vàng ruộm của món gà nướng xa lửa, vị giác con người được đánh thức ngay lập tức. Và nếu ai còn chưa biết tới món lá mì cà đắng gồm những nguyên liệu gì, chỉ cần nhìn vào chiếc nong tre đựng nguyên liệu tươi rói như vừa hái từ rẫy về cũng muốn một lần nếm thử món ăn trường tồn cùng văn hóa của người bản địa vùng cao nguyên. Ngày hội còn hàng trăm món ngon được chế biến tại chỗ với đủ hình thức, mùi vị khiến thực khách vừa no bụng, vừa no mắt.

Ngày hội ẩm thực là cơ hội trải nghiệm nhiều món ngon được chế biến đa dạng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ngày hội ẩm thực là cơ hội trải nghiệm nhiều món ngon được chế biến đa dạng. Ảnh: Hoàng Ngọc


Nếu ẩm thực truyền thống cần sự thấu hiểu để thưởng thức trọn vẹn hương vị thì món ăn đường phố với đủ mùi vị, màu sắc lại đi thẳng vào giác quan. Gian hàng Jrai Food không chỉ mang đến cho thực khách những món ăn truyền thống quen thuộc mà luôn gây ngạc nhiên với cách làm mới món ăn cũ. Gian hàng ẩm thực này giống như hình ảnh thu nhỏ của một khu vườn gia vị. Nguyên liệu chế biến món ăn như lá mì, cà đắng, kiến vàng, củ sả tươi, ớt xiêm, lá é, ngò tàu... được trình bày trong những vật dụng đan lát truyền thống. Hình ảnh này không lạ với người dân địa phương nhưng với khách du lịch lại như một đặc sản. Chưa kể, sự hợp duyên của các loại gia vị còn là dược liệu tốt cho sức khỏe. Hai gian hàng ẩm thực truyền thống tại ngày hội thu hút người dân và du khách không chỉ bởi món ăn ngon, cách chế biến độc đáo mà còn giới thiệu được giá trị văn hóa độc đáo.

Anh Nguyễn Văn Tân-nhiếp ảnh tự do đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh-đến Gia Lai công tác đúng dịp diễn ra ngày hội ẩm thực. Anh cho biết: “Thú vị nhất với tôi là những món ăn truyền thống của người Jrai mà có thể mua mang đi như thức ăn nhanh với cách phục vụ rất chuyên nghiệp. Đây cũng là cách làm của người Thái Lan khi họ biến nhiều món ăn truyền thống trở thành món ăn nhanh để phục vụ khách du lịch. Thông qua ẩm thực, họ vừa giới thiệu, quảng bá văn hóa, vừa đạt mục đích thương mại”.

Du lịch ẩm thực

Tại sự kiện cồng chiêng cuối tuần “Thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trong 2 đêm của kỳ nghỉ lễ 30-4, sức hút từ những quầy hàng ẩm thực vượt xa mọi dự đoán, khiến những người tham gia không khỏi lúng túng khi không đủ nhân lực lẫn nguyên liệu để phục vụ thực khách. Tiếp theo đó, tại Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022), Gia Lai tổ chức 84 gian hàng nhằm giới thiệu đặc trưng văn hóa ẩm thực của địa phương đến các đại biểu và du khách tại thắng cảnh Biển Hồ và Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku. Mới đây nhất là Ngày hội ẩm thực Gia Lai vừa diễn ra tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh chào mừng Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9-7).

 Món gà nướng xa lửa phục vụ du khách tại Ngày hội ẩm thực Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Món gà nướng xa lửa phục vụ du khách tại Ngày hội ẩm thực Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Các đơn vị tham gia ngày hội ẩm thực phải tuân thủ các yêu cầu của Ban tổ chức như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường, giá cả hợp lý và nhất là cung cách phục vụ chuyên nghiệp, thái độ thân thiện để mang đến hình ảnh đẹp cho du lịch Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Thu Vân-tiểu thương chợ Phù Đổng-cho biết, lần đầu tiên tham gia ngày hội ẩm thực với các loại bánh dân gian nhà làm, bà không khỏi lúng túng. Song đến ngày hội vừa rồi, bà đã tự tin, mang đến một hình ảnh hoàn toàn khác. Không chỉ có sự cởi mở, thân thiện trong phục vụ, các loại bánh trái cũng được bà chăm chút tỉ mỉ, trình bày bắt mắt. “Ngày hội thường tổ chức dịp cuối tuần nên ngoài người dân địa phương còn có rất đông khách du lịch, nhất là du khách Hà Nội rất thích các loại bánh dân gian gói lá chuối và mua về làm quà. Ở chợ bán sao thì ở đây tôi bán vậy, cốt tạo ấn tượng đẹp với du khách khi họ đến nhà mình”-bà Vân chia sẻ.

Tuy tạo được dấu ấn nhưng theo một số người, ngày hội ẩm thực vẫn còn những gian hàng sơ sài, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí tăng giá bán. Điều đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của sự kiện tôn vinh giá trị ẩm thực. Một số ý kiến cho rằng cần thu hút nhiều hơn các nhà hàng, quán ăn lâu đời ở Phố núi tham gia ngày hội để tạo sự phong phú cho du khách trải nghiệm. Anh Trương Huy (đường Trường Chinh, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi có con nhỏ và các bé rất háo hức đi hội chợ ẩm thực để ăn đồ ăn nhanh. Vì vậy, ngày hội có cả món đường phố và món ăn truyền thống, tôi thấy khá hợp lý. Nhưng vợ chồng tôi lại thích những món ăn gợi cảm xúc, kỷ niệm. Ví dụ bánh mì Gia Lai có đặc trưng rất riêng, có những quán tuổi đời 20-30 năm và trở thành một một phần ký ức nhiều thế hệ người Phố núi khi xa quê. Nếu ngày hội có những gian hàng bánh mì như Phú Loan, bà Nhất cũng góp phần giới thiệu cho khách du lịch một nét dễ thương của người Phố núi qua ẩm thực”.

Món lá mì cà đắng được nhiều du khách mua mang về. Ảnh: Hoàng Ngọc
Món lá mì cà đắng được nhiều du khách mua mang về. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Để sự kiện ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch thì phải có sự đầu tư bài bản hơn, các nội dung liên quan đến sự kiện phong phú hơn. Bên cạnh đó, yếu tố quảng bá sự kiện luôn phải kịp thời, tạo sự lan tỏa trên các kênh truyền thông để tạo điều kiện và thời gian hợp lý cho doanh nghiệp lữ hành tiếp cận được du khách thì sản phẩm ẩm thực mới thực sự gắn với hoạt động du lịch”.

Không dừng lại ở quảng bá, giới thiệu ẩm thực tại các sự kiện, ngành du lịch hướng tới mục tiêu xây dựng bản đồ món ngon Gia Lai thành sản phẩm du lịch. Đây là sản phẩm mới, mang đặc trưng riêng và du khách sẵn sàng trả tiền để trải nghiệm. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho hay: “Ngoài các chương trình phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Sở Du lịch một số tỉnh, thành phố lớn để quảng bá giá trị độc đáo của ẩm thực Gia Lai tới người dân và du khách cả nước, chúng tôi cũng tăng cường giới thiệu món ngon trên các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin du lịch thông minh. Đây là nơi tập hợp mạng lưới nhà hàng, quán ăn với những món ăn đặc trưng mà du khách dễ dàng tìm kiếm trên điện thoại thông minh khi du lịch Gia Lai”.
 

 HOÀNG NGỌC

 

 

Có thể bạn quan tâm