(GLO)- Là dự án ghép pin mặt trời với thủy điện nhỏ duy nhất trên địa bàn tỉnh, trạm pin mặt trời ở xã Trang (huyện Đak Đoa) cho tới nay vẫn làm tốt vai trò của mình sau 16 năm đưa vào sử dụng. Đây là tiền đề để phát triển năng lượng mới-nguồn năng lượng sạch, bền vững, song tới thời điểm hiện tại, nó vẫn là công trình duy nhất trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống trạm pin mặt trời ở xã Trang. Ảnh: Hà Duy |
Hệ thống ghép pin mặt trời với thủy điện nhỏ xã Trang do Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển Công nghệ Công nghiệp Nhật Bản tài trợ được xây dựng và bàn giao cho Công ty Điện lực Gia Lai vận hành năm 1999. Đây là công trình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Năng lượng Việt Nam (IE) và Tổ chức NEDO nhằm khai thác nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững với tổng giá trị đầu tư 2 triệu USD. Công nghệ mới thu được từ dự án sẽ được phổ biến nhân rộng ra các tỉnh thành khác của Việt Nam trong tương lai. Quy mô công suất của hệ thống pin mặt trời là 100 kW ghép với 1 máy phát thủy điện nhỏ PV-MH 25 kW, cấp điện cho hơn 400 hộ sử dụng thuộc 6 làng của xã Trang.
Ngoài mục đích đảm bảo cấp điện cho nhân dân, công trình còn mang nhiều ý nghĩa như: sử dụng nguồn năng lượng tái tạo không gây ảnh hưởng cho môi trường, công nghệ tự động điều khiển cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, là nơi tham quan học hỏi, tiếp cận thực tế cho các sinh viên, kỹ sư chuyên ngành… Vào thời điểm mới lắp đặt, công trình vận hành độc lập để cấp điện cho phụ tải mà không hòa lưới quốc gia (vì thời điểm này khu vực xã Trang chưa có lưới điện quốc gia). Đến năm 2004, dự án cấp điện nông thôn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) kéo điện lưới đến sát Trạm pin mặt trời, TBA GretBok-75kVA 22/0,4kV chỉ cách Trạm pin mặt trời 80 mét. Lưới điện hạ thế của hệ thống và lưới hạ thế của TBA GretBok đã được nối với nhau.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2009, sau 10 năm hoạt động, trang-thiết bị xuống cấp và sự cố hư hỏng bộ inverter khiến Trạm pin mặt trời và thủy điện nhỏ PV-MH xã Trang đã phải tạm dừng hoạt động. Cuối năm 2013, Công ty Điện lực Gia Lai tiến hành thay thế bộ inverter cũ bằng 22 bộ inverter mới có công suất tương đương nhằm tận dụng tối đa nguồn điện phát từ hệ thống pin ghép để hòa vào lưới điện.
Với những ưu điểm như sạch, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, an toàn cho người sử dụng… việc thu giữ năng lượng mặt trời gần như không có ảnh hưởng tiêu cực gì đến môi trường, đồng nghĩa với việc không góp phần vào vấn đề ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Song, như ông Nguyễn Trọng Minh-Phó Trưởng phòng Kỹ thuật (Công ty Điện lực Gia Lai) nhận định: “Trạm pin mặt trời và thủy điện nhỏ PV-MH có công suất nhỏ, hoạt động không ổn định; điện lưới, sản lượng điện thu được không nhiều, chưa kể nếu máy móc, trang-thiết bị bị hư hỏng, chi phí sửa chữa sẽ rất lớn. Đó cũng là lý do vì sao mô hình này không thể nhân rộng”.
Hà Duy