Chúng tôi vào đến làng lúc trời đã nhá nhem. Lúc chúng tôi vào, vợ ông đang dỡ nồi khoai mì vừa luộc xong ra cái nia, chắc là để chuẩn bị cho mẻ rượu ghè. Một lúc sau, ông Thuận từ rẫy về. Ông mặc chiếc áo thun cũ và chiếc quần bộ đội bạc màu, bám đầy bụi đỏ.
Sau khi cùng gia đình ăn tối, chúng tôi bắt đầu câu chuyện. Những câu hỏi gợi mở của tôi như đã gọi được ký ức từ hàng chục năm trước. Ông Thuận kể: Năm 1952, khi mới 22 tuổi, ông cùng dân làng và bộ đội tham gia đánh đám lính khố đỏ của Pháp khi chúng nhảy dù xuống khu vực suối Tơnang, gần rẫy làng Viar 2, rồi càn vào Hơnưng.
Căn cứ địa cách mạng Khu 10. Ảnh: Minh Nguyễn |
Sau Hiệp định Genève, ông có tên trong danh sách đi tập kết của huyện Kon Plông (tỉnh Gia Kon). Vì hoàn cảnh gia đình nên ông ở lại hoạt động bán thoát ly trong đường dây thuộc trạm Z2 của tỉnh, đóng ở Đất Đỏ, do ông Hường làm Trạm trưởng.
Vừa làm việc, vừa cùng nhiều thanh niên trong vùng học chữ nhưng ông tiến bộ nhanh. Năm 1956, ông được kết nạp vào Đoàn. Dù cả xã Hơnưng lúc ấy chỉ có 5 đảng viên nhưng hoạt động rất tích cực. Nhiệm vụ của ông là đi đưa giấy tờ và tiếp tế cho tỉnh. Năm 1957, ông Thuận được kết nạp vào Đảng. Năm 1960, tỉnh rút ông Hường về, ông Chăng lên thay làm Trạm trưởng thì ông Thuận làm Trạm phó.
Năm 1961, khi tuyến hành lang trung ương xuyên suốt Bắc-Nam hình thành, Trạm Z2 được chuyển cho quân khu và dời về bên suối Knia (Krong). Tuy nhiên, trên thực tế, Trạm không đóng một chỗ mà thường xuyên di chuyển. Từ đây, Trạm Z2 được đổi tên thành Trạm B2 (cũng gọi là đội 2), nhưng cán bộ và người dân trong vùng quen gọi là Trạm Thuận, vì lúc đó, ông Thuận là Trung đội trưởng kiêm Trạm trưởng.
Năm 1959, cả Trạm chỉ có 3 người, nhưng nhiệm vụ nhiều hơn, do cán bộ, bộ đội và hàng hóa từ miền Bắc bắt đầu vào. Để đảm bảo bí mật, trong những lần đi làm nhiệm vụ, ông Thuận thường phải đưa cả mẹ đi theo. Tháng 9-1959, Trạm được đón đoàn của ông Kpă Thìn (Bơhâm) là cán bộ quân sự gồm 30 người về tăng cường cho tỉnh Gia Lai.
Từ khi chuyển về cho quân khu (năm 1961), Trạm Thuận thường xuyên có 9 người (gồm 2 chị nuôi và 7 anh em giao liên). Nhiệm vụ của Trạm là vận chuyển hàng hóa, đạn dược, công văn… và đưa đón cán bộ, bộ đội từ Trạm B1 (Trạm Lập, ở phía Bắc, tiếp giáp Kon Tum) đến Trạm ông Tiêu (giáp đường 19). Tại Trạm Thuận, ngoài hệ thống kho tàng cất giấu hàng hóa, thường xuyên có 2 nhà khách và 1 “bãi khách” bên bờ núi Sơlak để bộ đội mắc võng nghỉ mỗi khi khách đông.
Từ năm 1965 (bắt đầu thời kỳ chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt), hàng hóa và bộ đội vào nhiều nên quân số của Trạm lên tới 30 người, gồm 1 tiểu đội từ miền Bắc tăng cường, 2 tiểu đội còn lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Lực lượng này được biên chế thành 1 tiểu đội quân bưu và 2 tiểu đội vận chuyển. Thời điểm này, trên địa bàn Trạm quản lý, Quân khu 5 đóng thêm 1 kho (gồm vũ khí, thuốc men, dụng cụ y tế, điện đài…), yêu cầu vận chuyển rất cao. Có ngày, Trạm vận chuyển 2-3 tấn hàng từ khu vực tiếp giáp Kon Tum ra Bắc đường 19. Những lúc hàng nhiều, Trạm huy động người dân cùng tham gia. Có chiến sĩ 1 ngày đi tới 3 chuyến, người khỏe mang vác tới 80 kg, người yếu hơn cũng trên 70 kg. Giai đoạn này, bên ngoài các thùng hàng thường ghi khẩu hiệu: “Đi như chong chóng, phóng như tàu vũ trụ!”, phần thưởng cho những người đạt thành tích cao là 4 lon gạo. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, anh em các trạm còn tham gia sản xuất để nuôi cả bộ phận kho (15 đồng chí), trạm xá (7 người). Năm 1968, ông Thuận bị bệnh khớp rất nặng nên xin nghỉ, về tham gia công tác tại địa phương.
Trong đêm rừng tĩnh lặng, từng đoạn trong câu chuyện hừng hực sức chiến đấu của ông Thuận như những thước phim theo tôi vào giấc ngủ, để khi bình minh lên, chúng tôi lại tiếp tục hành trình tìm về miền quá khứ.