Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Trần Thị Hoàng Anh: Tạo dựng thương hiệu mật ong Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, gian hàng giới thiệu sản phẩm mật ong Phương Di của chị Trần Thị Hoàng Anh (SN 1984, ở 190 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku) đã tạo thiện cảm cho khách tham quan.

Gặp tôi ít ngày sau hội nghị xúc tiến đầu tư, chị Hoàng Anh khoe, mình vừa tham gia chương trình hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã toàn quốc do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. “Sản phẩm mật ong Phương Di mang ra hội chợ đã tiêu thụ hết ngay trong ngày đầu tiên và khách hàng còn đặt hàng nhiều lắm”-chị Hoàng Anh kể.

 

Chị Trần Thị Hoàng Anh. Ảnh: H.Đ.T
Chị Trần Thị Hoàng Anh. Ảnh: H.Đ.T

Từng làm kế toán cho một doanh nghiệp ở TP. Pleiku nhưng khi thấy nghề nuôi ong phát triển và có thu nhập, chị Hoàng Anh quyết định nghỉ việc và vay vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Từ số lượng ban đầu chỉ vài chục thùng, đến nay, chị đã có trong tay hơn 1.000 thùng ong. Những năm trước, thị trường xuất khẩu phong phú, giá mật ong ổn định nên người nuôi ong có thu nhập cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mật ong không xuất khẩu được, dẫn đến giá giảm đáng kể, có thời điểm chỉ còn 20-25 ngàn đồng/kg. Chị Hoàng Anh chia sẻ: Chưa bao giờ thị trường Việt Nam lại có nhiều thương hiệu mật ong như những năm gần đây. Việc các công ty mật ong Việt Nam gia nhập thị trường nội địa ngày càng nhiều có 2 lý do: thứ nhất là có một số công ty xuất khẩu mật ong thô bị trả về nên phải tiêu thụ trong nước; thứ hai là nhu cầu mật ong trong những năm tới sẽ rất lớn, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa, nên nhiều công ty đã chuyển hướng xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường.

Trước tình hình khó khăn đó, chị Hoàng Anh suy nghĩ phải chuyển hướng kinh doanh chứ không thể xuất thô mật ong như những năm trước; đồng thời phải tạo thương hiệu cho mật ong Gia Lai bởi đây là sản vật quý của tự nhiên, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc. Bởi lẽ, muốn thị trường chấp nhận sản phẩm hay muốn đưa mật ong vào siêu thị thì phải làm thương hiệu trước. Nếu không có thương hiệu, dù có chen chân vào các hệ thống siêu thị cũng sẽ ít được người tiêu dùng chọn lựa. Với suy nghĩ ấy, chị đã đầu tư rất bài bản cho trang trại nuôi ong của mình để nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời đầu tư cả về mẫu mã sản phẩm. Đến đầu năm 2015, sản phẩm mật ong mang thương hiệu Phương Di của chị đã ra đời.

Để sản phẩm mật ong tiêu thụ tốt và phát triển thị trường, chị Hoàng Anh đã dành nhiều thời gian đến các trung tâm thương mại lớn, tham gia các hội chợ, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mật ong Phương Di ngày càng được khách hàng biết đến và yêu thích, doanh số bán hàng vì thế cũng tăng theo. Từ vài trăm chai bán ra trong năm đầu tiên, doanh số của Phương Di những năm sau đều tăng theo cấp số nhân. Ngoài các dòng sản phẩm mật ong hoa cà phê, cao su và các sản phẩm mật ong sữa chúa, phấn hoa, hiện nay, chị Hoàng Anh còn sản xuất các sản phẩm như kem dưỡng da dành cho phụ nữ làm từ mật ong, nghệ, viên tinh bột nghệ mật ong... Các sản phẩm này đều rất được khách hàng ưa chuộng.

Với mục tiêu mang sản phẩm mật ong chất lượng cao đến người tiêu dùng, chị Hoàng Anh luôn chú trọng trong khâu chọn nguyên liệu và kiểm định chất lượng. Mật ong thô được chị lấy từ trang trại của gia đình hoặc những hộ nuôi ong nhiều kinh nghiệm đã ký hợp đồng đối tác và đều được kiểm tra chất lượng kỹ càng. Hiện nay, chị đang làm các thủ tục để đăng ký thương hiệu và mã vạch nhằm giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của TRẦN THỊ HOÀNG ANH:

* Phải có quản trị chiến lược lâu dài.
* Xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
* Kiên trì  theo đuổi hướng đi của mình.

Chính từ sự đầu tư bài bản và chọn được hướng đi đúng nên chỉ sau một thời gian ngắn, mật ong mang thương hiệu Phương Di đã được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn. Hiện nay, chị Hoàng Anh đã có hơn 20 đại lý tiêu thụ sản phẩm trên khắp cả nước. Chị cho biết, nhờ tạo dựng thương hiệu nên mật ong Gia Lai ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến, lượng khách đặt hàng online rất nhiều. Năm 2017, doanh thu từ mật ong và các sản phẩm làm từ mật ong của Phương Di đạt hơn 2 tỷ đồng. Một tin vui nữa là sản phẩm mật ong Phương Di vừa được Sở Công thương Gia Lai chọn là một trong những sản phẩm của Gia Lai tham dự bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực.

Trước khi chia tay, chị Hoàng Anh tâm sự: Lợi thế thực sự của nông nghiệp phải ở khâu chế biến. Do vậy, để vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Đây cũng là mong muốn của tôi khi xây dựng một thương hiệu cho mật ong Gia Lai.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm