Giải trí

Thời trang

Trang phục trong phim gây tranh cãi của diễn viên Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hầu hết diễn viên truyền hình Việt đều phải tự chuẩn bị trang phục cho nhân vật hoặc nhờ sự trợ giúp từ stylist.
Trong những phim truyền hình Việt phát sóng gần đây, trang phục của Nam (Hương vị tình thân) và Báu (Cây táo nở hoa) tạo ra luồng ý kiến tranh cãi. Nếu như Báu (Nhã Phương) mặc lòe loẹt, thảm họa, thì Nam (Phương Oanh) bị cho là diện đồ lỗi mốt.
Khi vai diễn của Phương Oanh, Nhã Phương không mặc đẹp
Hiện nay, ngoài nội dung phim, khán giả cũng rất quan tâm đến tạo hình, trang phục của diễn viên trên màn ảnh nhỏ. Với những diễn viên tên tuổi, sự chú ý càng nhiều hơn. Trong loạt phim truyền hình Việt lên sóng gần đây, nhân vật của Nhã Phương, Phương Oanh vấp phải luồng ý kiến trái chiều.
Xuyên suốt phim Cây táo nở hoa, nhân vật Báu xuất hiện với những bộ cánh màu mè, đồng bóng, thậm chí không ăn nhập. Theo chia sẻ từ Nhã Phương và ê-kíp, họ chủ ý xây dựng nhân vật theo hướng thảm họa thời trang. Stylist đã tìm mua các món đồ bình dân tại những khu chợ hoặc "săn" hàng thùng...

Nhã Phương trong Cây táo nở hoa. Ảnh: ĐPCC.
Nhã Phương trong Cây táo nở hoa. Ảnh: ĐPCC
Nhã Phương tâm sự để vào vai này, cô chấp nhận mặc xấu. Nữ diễn viên kể: "Ở phim trường, đạo diễn bảo mặc đồ nào là tôi mặc đồ đó, không có ý kiến gì. Khi gia đình hay bạn tôi lên phim trường thăm, thấy tôi mặc quần áo chẳng giống ai, họ hỏi 'Phương ơi, có cần kiếm stylist không?'. Anh Giang nhìn tạo hình của tôi, cũng hết hồn và nói 'Vợ tôi đây hả. Không tin đây là vợ'".
Có thể nói về mặt tạo hình vai diễn, Nhã Phương đã để lại dấu ấn mạnh với Báu. Song, hình ảnh này vẫn ít nhiều gây tranh cãi, bởi yếu tố thảm họa của nhân vật bị làm quá. Trong đời sống thường ngày, sẽ khó tìm được cô gái nào mặc xấu tệ như Báu, ngay cả những người chuộng gu màu mè nhất.
Khác với vai Báu, tạo hình của nhân vật Nam không thống nhất xuyên suốt phim, mà được chia thành từng giai đoạn. Nam xuất thân là con nhà nghèo, làm nghề kỹ sư điện nước. Như vậy, có thể tạm hiểu nhân vật này không thể chưng diện.
Ở phần một, Nam để tóc ngắn, mặc đồ bụi bặm, cá tính, năng động. Cô thường phối áo thun và sơ mi hoặc mix phong cách layer, kết hợp cùng quần jeans, boots da hoặc giày đế thấp. Hình ảnh này an toàn và khá phù hợp với tính cách nhân vật.
Sang phần hai, Nam thay đổi ngoại hình theo hướng nữ tính hơn. Toàn bộ trang phục của nhân vật cũng được làm mới. Nam bắt đầu diện boots gót nhọn, sandal cao gót. Phương Oanh lựa chọn gile vest làm hình ảnh đặc trưng của nhân vật. Cô có một bộ sưu tập gile với nhiều màu sắc, phối cùng áo sơ mi hoặc áo phông. Tuy nhiên, cách phối đồ này lại không được hưởng ứng. Một bộ phận khán giả cho rằng nữ chính mặc lỗi mốt, gây nhàm chán.

Phương Oanh thay đổi tạo hình nhân vật ở hai phần phim. Ảnh: VFC.
Phương Oanh thay đổi tạo hình nhân vật ở hai phần phim. Ảnh: VFC
Theo lý giải của Phương Oanh, vì tính chất công việc, trang phục của Nam chỉ cần gọn gàng, thoải mái. Hơn nữa, về tính cách, Nam cũng không phải người chưng diện, sành điệu. Chuyện Nam mặc không đẹp là bình thường. Theo bật mí từ ê-kíp, ở giai đoạn cuối phim, Nam sẽ có màn "lột xác" đúng nghĩa, mặc đẹp và hút mắt hơn.
Như vậy, bản thân Phương Oanh cũng như đạo diễn, ê-kíp phim đã có sự tính toán ngay từ đầu trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật. Cô gái này sẽ chuyển biến từ từ, ngày càng đẹp và hoàn thiện hơn.
Nhưng khán giả cũng không sai khi cho rằng bắt đầu từ phần hai phim, diễn viên lựa chọn trang phục chưa thực sự hợp lý, dẫn đến một số lỗi mix đồ. Có lẽ Phương Oanh cũng gặp khó khăn, áp lực trong việc chuẩn bị trang phục cho một nhân vật dài hơi, nặng ký và tương đối phức tạp như Nam.
Đa số diễn viên truyền hình tự lo phục trang
Theo chia sẻ từ các diễn viên truyền hình, mỗi khi có vai mới, họ đều phải tự chuẩn bị phục trang từ A đến Z. Thị trường trong nước chưa có sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp cho khâu này.
Thông thường, sau khi nhận kịch bản, diễn viên sẽ có những buổi gặp đạo diễn, ê-kíp để định trang cho nhân vật. Họ cùng bàn bạc để đưa ra tạo hình phù hợp nhất. Sau đó, diễn viên bắt tay vào sắm sửa trang phục, phụ kiện, giày dép... dựa trên yêu cầu chung.
Một số người tự tay mua sắm hoặc mượn từ người thân, bạn bè. Số khác tìm đến stylist để nhờ trợ giúp. Nếu màu sắc nhân vật tương đồng với diễn viên ngoài đời, việc chọn váy áo có phần dễ dàng hơn. Ngược lại, khi vai diễn có hoàn cảnh, tính cách khác biệt, diễn viên chắc chắn “đau đầu” tìm kiếm.
Lâu nay, Phương Oanh là một trong những diễn viên thường chủ động lo phục trang, ngay cả ở những phim trước đây như Quỳnh búp bê, Cô gái nhà người ta hay Lựa chọn số phận. Khi nhận vai tiểu thư Thiên Trang (Lựa chọn số phận), cô từng chi nhiều tiền cho đồ hiệu.
"Trước Thiên Trang, tôi từng đóng các vai quê mùa, không được mặc đẹp. Nhưng tôi luôn đề cao sự chỉn chu và phù hợp hoàn cảnh. Chẳng hạn, với vai cô giáo Uyên ở vùng quê, tôi phải nghiên cứu từ chiếc áo cho đến túi xách, đồng hồ" - Phương Oanh nói.
Chia sẻ với Zing, Khả Ngân tiết lộ cô cũng tự chuẩn bị quần áo, phụ kiện cho vai Tuệ Nhi trong 11 tháng 5 ngày. Lần này, cô không nhờ stylist tư vấn. Tổng trang phục cô đã mặc trên phim đến lúc này là khoảng 30 bộ.

Khả Ngân trong 11 tháng 5 ngày. Ảnh: VFC
Khả Ngân trong 11 tháng 5 ngày. Ảnh: VFC
"Tuệ Nhi xuất thân là tiểu thư, con nhà giàu. Vì vậy, tôi phải chuẩn bị rất kỹ. Tôi mua mới một nửa, kết hợp tận dụng đồ có sẵn trong tủ quần áo. Ngoài ra, tôi cũng liên hệ với một số nhãn hàng thời trang để hợp tác. Tôi vui khi tạo hình nhân vật bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả" - diễn viên sinh năm 1997 bộc bạch.
Với những diễn viên nhờ stylist phối đồ, họ sẽ giảm bớt phần nào công việc cũng như áp lực. Bởi cũng có trường hợp diễn viên đã chuẩn bị phục trang, song lại không đúng ý đạo diễn. Vai Phan Linh của Diễm My trong Tình yêu và tham vọng là một ví dụ.
Diễm My cho biết nhân vật Phan Linh làm việc tại một công ty lớn nhưng không được mặc đồ sang chảnh vì tính cách giản dị, khép kín. Phải đến khoảng già nửa phim, đạo diễn mới đồng ý cho cô mặc váy.

Diễm My và Lã Thanh Huyền có stylist hỗ trợ phối đồ khi tham gia Tình yêu và tham vọng.
Diễm My và Lã Thanh Huyền có stylist hỗ trợ phối đồ khi tham gia Tình yêu và tham vọng.
"Trước đó, stylist của tôi đã chuẩn bị đồ rồi, khá màu sắc và hiện đại. Nhưng sau đó, tôi phải thay đổi. Đạo diễn muốn Linh mặc đơn giản nhất có thể, vì cô ấy khác Ánh, khác Tuệ Lâm", Diễm My nói.
Lã Thanh Huyền từng chia sẻ khi đóng vai Tuệ Lâm trong Tình yêu và tham vọng: “Cát-xê có thể không đủ để trang trải những khoản đầu tư cho vai diễn, nhất là những nhân vật sang chảnh. Song, tôi nghĩ diễn viên vẫn phải tự đầu tư nếu muốn có vai ấn tượng”.
Diễn viên tự lo váy áo, song mỗi đoàn phim đều có ê-kíp phục trang. Người làm phục trang sẽ chịu trách nhiệm cất giữ, bảo quản đồ cho diễn viên. Trước mỗi cảnh quay, dựa vào bối cảnh, tâm lý nhân vật, họ sẽ lựa chọn bộ đồ thích hợp và đảm bảo đúng raccord. Bằng cách này, diễn viên có thể giảm bớt mối bận tâm để chỉ tập trung vào diễn xuất.
Ly Nguyễn (zingnews.vn/Dân Việt)
https://danviet.vn/trang-phuc-trong-phim-gay-tranh-cai-cua-dien-vien-viet-20210829085116615.htm

Có thể bạn quan tâm