(GLO)- Năm 2002, ông Trần Văn Tăng (SN 1983, trú tại tổ 8, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) kết hôn với bà Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1982, trú cùng địa phương). Sau đó, vợ chồng bà Vân sinh được 2 con là Trần Minh Hiệp (SN 2004) và Trần Minh Hiếu (SN 2007).
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Mấy năm gần đây, vợ chồng bà Vân xảy ra mâu thuẫn vì chuyện tiền nong. Buồn chuyện gia đình, bà Vân đưa các con về quê ngoại ở Nghệ An chơi. Ngày 6-1-2017, khi 3 mẹ con trở về nhà thì ông Tăng khóa cửa không cho vào. Ông Tăng cho rằng, ông đã đưa đơn ra tòa, bà Vân không có quyền gì trong ngôi nhà này nữa. Khi bà Vân hỏi vì sao ly hôn nhưng Tòa án không mời bà lên làm việc thì ông Tăng trả lời: Tòa giải quyết vắng mặt. Bà Vân đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Cơ tìm hiểu thì được biết: Ngày 2-8-2016, Hội đồng xét xử do Thẩm phán Nguyễn Thị Kim Thoa-Chủ tọa phiên tòa đã ký Bản án sơ thẩm số 12/2016/HNGĐ-ST xử chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện ly hôn của ông Tăng đối với bà Vân; giao 2 đứa con chung cho ông Tăng nuôi dưỡng, không yêu cầu bà Vân phải cấp dưỡng; về tài sản chung, ông Tăng và bà Vân không yêu cầu tòa giải quyết...(?).
Bà Vân khẳng định, mình chưa từng tham gia phiên tòa và ký bất cứ văn bản nào liên quan đến vấn đề ly hôn nên đã làm đơn khiếu nại lên TAND tỉnh. Sau đó, TAND tỉnh tiến hành thu thập các chữ ký, chữ viết của bà Vân để trưng cầu giám định. Tại Kết luận giám định số 279/KLGĐ ngày 7-9-2017 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh thể hiện: Chữ ký, chữ viết họ tên “Nguyễn Thị Thanh Vân” trong tài liệu do TAND tỉnh đề nghị giám định so với chữ ký, chữ viết của bà Nguyễn Thị Thanh Vân trên các tài liệu mẫu so sánh không phải do cùng một người ký và viết ra.
Từ căn cứ trên, ngày 2-5-2018, bà Lê Thị Ngọc Hà-Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ký Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2018/KN-HNGĐ yêu cầu TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình số 12/2016/HNGĐ-ST của TAND huyện Đức Cơ; yêu cầu TAND huyện Đức Cơ giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm; tạm đình chỉ thi hành bản án sơ thẩm nói trên...
Quyết định này thể hiện rõ, quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Đức Cơ đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng: không tống đạt trực tiếp thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn; không tiến hành lấy lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh Vân; TAND huyện Đức Cơ chỉ căn cứ vào “đơn xin xử giải quyết ly hôn vắng mặt” không ghi ngày tháng, chỉ ghi tên người viết là Nguyễn Thị Thanh Vân, nhưng cũng không phải do bà Vân trực tiếp giao nộp, không lập biên bản giao nhận mà ngày 2-8-2016 tiến hành xử vắng mặt.
Ngoài ra, tại biên bản lấy lời khai đề ngày 1-3-2018, ông Tăng xác định chữ ký, chữ viết ghi tên Nguyễn Thị Thanh Vân trong tất cả các tài liệu: biên bản thông báo thụ lý vụ án; đơn xin xét xử vắng mặt; biên bản về phiên hòa giải, giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử... ông không biết ai viết, ai ký. Ông Tăng cho rằng, mình nhận các biểu mẫu từ thẩm phán, sau khi nhờ người viết, ông nộp lại cho thẩm phán, bởi ông không biết chữ (?). “Như vậy, có đủ cơ sở để xác định bà Nguyễn Thị Thanh Vân không hề biết việc ông Tăng khởi kiện vụ án tranh chấp ly hôn, nuôi con chung tại TAND huyện Đức Cơ nhưng tòa vẫn thụ lý, giải quyết vắng mặt bị đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Vân” (trích Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 03/2018/KN-HNGĐ).
Bà Vân cho biết: Quyết định ly hôn trái pháp luật của TAND huyện Đức Cơ đã đẩy bà vào tình thế “có nhà nhưng không thể về, chỉ nhìn con từ xa chứ không được thăm, chăm con”. Bởi lẽ, chồng tuyên bố đã ly hôn thì không được bước vào nhà, nếu gặp sẽ đánh. Hiện tài sản chung của hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân đã bị ông Tăng tẩu tán hết, bản thân bà Vân phải vào Bình Phước để làm công nhân. Bà Vân thắc mắc vì sao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã có cách đây nửa năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải quyết.
Lam Anh