Cẩm nang ngày tết

Trang trí nhà cửa đón Tết tiết kiệm và hợp phong thủy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày giáp Tết, các gia đình đang gấp rút hoàn tất việc sơn sửa vun vén nhà cửa. Có các cách đơn giản để giúp tổ ấm vừa đẹp lại vừa hợp phong thủy.

 1. Tiết kiệm chi phí

Để khoác chiếc áo mới cho ngôi nhà đón Tết, không cần tốn quá nhiều chi phí nếu áp dụng 2 cách đơn giản. Đầu tiên là thay đổi cách bố trí đồ đạc trong nhà giúp không gian trở nên mới và ngăn nắp hơn. Dành chút thời gian để loại bỏ những thứ không dùng hoặc thay đổi phong cách nội thất với việc lắp gương  kính tô điểm thêm cho không gian.

Ngoài ra, làm mới tường nhà bằng việc bố trí lại tranh ảnh hoặc thay đổi tranh đã cũ. Bố trí cây xanh sẽ thêm màu sắc và làm tươi mới cho ngôi nhà. Ngoài ra, bổ sung thêm đồ nội thất đơn giản như sofa, kệ trang trí, đèn trang trí... giúp không gian linh hoạt và mới mẻ hơn.

 

Làm mới không gian bằng đèn trang trí và treo tranh ảnh hợp sở thích.
Làm mới không gian bằng đèn trang trí và treo tranh ảnh hợp sở thích.


 2. Màu sơn và giấy dán tường cho năm mới

Năm mới nên thay đổi màu sơn tường theo chủ đề, cá tính hoặc màu hợp với mạng chủ nhà. Giấy dán tường cần chọn một mảng tường chủ đạo trong ngôi nhà để trang trí mẫu giấy dán tường phù hợp với chủ đề, ưu tiên các gam màu ấm nóng, ngôi nhà sẽ tràn ngập không khí xuân.

3. Phòng khách và nhà ăn

Phòng khách trong dịp Tết cần không gian thoáng rộng đồng thời gọn gàng, ấm cúng để chủ nhà bày tỏ lòng hiếu khách vừa thể hiện gu thẩm mỹ. Bước đơn giản là giảm bớt số lượng ghế phòng khách, chỉ giữ lại sofa 3 chỗ để có thể ghép thêm bàn ăn xếp dự phòng cho đông người. Giảm bớt đồ đạc hoặc trang trí không cần thiết để tăng không gian.

4. Lưu ý yếu tố phong thủy

Theo quan niệm, thay đổi nội thất hợp phong thủy để không gian nhà được mới mẻ, chào đón những điều tốt đẹp, mang vận may vào nhà. Theo phong thủy, người Việt thường sử dụng màu sơn hoặc giấy dán tường phù hợp với mạng của gia chủ theo cung ngũ hành. Ngoài ra, các hướng “môn, táo, chủ, thờ”  nên giữ nguyên theo tứ trạch của chủ  nhân.

5. Tạo điểm nhấn và sự mới lạ trong không gian

Dấu ấn Tết cổ truyền ở ngôi nhà Việt Nam là cách bố trí thật gần gũi, ấm cúng, đậm bản sắc Việt được thể hiện từ ngoài cổng, sân, đến phòng khách và gian bếp như sau :

Cổng: Chơi câu đối trong ngày Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Câu đối đỏ được treo hoặc dán trang trọng ngay cổng ra vào của ngôi nhà với ý nghĩa mừng năm mới, chúc tặng người thân, mong một cái Tết an lành, phú quý.

 

Một gian bếp sơn sửa ấm cúng, gọn gàng để chào đón năm mới
Một gian bếp sơn sửa ấm cúng, gọn gàng để chào đón năm mới


Sân: Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam là hai loài đặc trưng và được cho là biểu tượng của mùa xuân Việt Nam. Bên cạnh lan, cúc, trúc... thì mảnh sân đón Tết của người Việt không thể thiếu màu hoa chủ đạo  này.

Phòng khách: Phòng khách được xem là góc Tết trong ngôi nhà. Người Việt sẽ chú trọng cách bày trí vào các nơi như bàn thờ, bàn tiếp khách…

Bàn thờ là nơi tâm linh và phong thủy nên  được chăm chút thật kỹ lưỡng. Hoa tươi và ngũ quả được bày thật công phu cho lễ cúng giao thừa. Ngoài ra, trên bàn thờ có thể cắm thêm cành vàng lá ngọc tượng trưng cho phú quý.

Bàn tiếp khách là nơi gia chủ hàn huyên với khách đến nhà chúc Tết. Trên bàn khách không thể thiếu mứt- kẹo ngày Tết, bộ ấm trà, phong lì xì… Tiếp theo là tường và các góc trang  trí Tết cần được điểm thêm các chậu cúc, quất hoặc một góc quê nhà nho nhỏ với các nông sản như ngũ đậu, bắp, xả...

Các điểm nhấn phụ như phòng ngủ, nhà vệ sinh… cũng nên trang trí nhẹ lại. Thay đổi drap giường theo chủ đề, một vài chậu hoa xinh nơi ban công hay lọ hoa tươi nơi phòng vệ sinh... giúp tạo cho ngôi nhà bừng thêm sức sống trong dịp Tết.

 

Thay đổi drap giường cho phòng ngủ tạo cảm giác mới mẻ đón năm mới.
Thay đổi drap giường cho phòng ngủ tạo cảm giác mới mẻ đón năm mới.

Có thể bạn quan tâm