Sau sinh, bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ. Các bác sĩ sản ghi nhận nước ối vàng đặc, màu ối nhuộm da trẻ. Bé được chẩn đoán suy hô hấp nặng, viêm phổi do hít phân su khi trong bụng mẹ.
Em bé được thực hiện ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO)
Hôm 11.8 bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết: Em bé trai sơ sinh (1 ngày tuổi, ngụ Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) trong tình trạng khó thở, tím tái, lơ mơ, hôn mê.
Em bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh là 3,7 kg tại một bệnh viện chuyên khoa sản của tỉnh. Sau sinh, bé tím tái, thở rên, co kéo, rút lõm ngực nặng, lơ mơ. Các bác sĩ sản ghi nhận nước ối vàng đặc, màu ối nhuộm da trẻ.
Tại bệnh viện ở địa phương, bé được điều trị hỗ trợ hô hấp thở ô xy, sau đó đặt nội khí quản giúp thở, dùng kháng sinh và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Đây là trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên tại miền Nam được áp dụng thành công kỹ thuật ECMO
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM |
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, em bé được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu và chụp X-quang phổi, siêu âm tim não, bụng. Bé được chẩn đoán suy hô hấp nặng, viêm phổi hít phân su. Bệnh nhi được tiếp tục cho thở máy, dùng kháng sinh, dịch truyền tĩnh mạch và các biện pháp điều trị tích cực khác. Tuy nhiên, sức khỏe của em bé vẫn không cải thiện, suy hô hấp ngày càng nặng, tím tái.
Qua hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định dùng kỹ thuật ECMO (ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) để cung cấp ô xy qua màng ngoài cơ thể, từ đó chuyển máu có ô xy vào hệ tuần hoàn trong cơ thể cung cấp ô xy cho mô và các cơ quan trong cơ thể trẻ.
“Sau gần một tuần chạy ECMO, phối hợp với các điều trị hỗ trợ tích cực khác, tình trạng suy hô hấp của em bé đã cải thiện dần. Bé được cai máy ECMO, thở máy với thông số thấp, tình trạng bé cải thiện rõ rệt, tổn thương phổi phục hồi, chức năng trao đổi ô xy của phổi rất tốt, chức năng các cơ quan ổn định”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Các bác sĩ can thiệp mạch máu của em bé sơ sinh để chạy ECMO. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau đó, em bé đã được rút nội khí quản ngưng thở máy, tự thở qua hỗ trợ ô xy, ăn sữa hoàn toàn, tình trạng nhiễm trùng giảm nhiều.
Hiện nay, em bé được 25 ngày tuổi và đang được theo dõi chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
“Đây là trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên được thực hiện ECMO tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng là trường hợp sơ sinh đầu tiên tại miền Nam được áp dụng thành công kỹ thuật này”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Theo bác sĩ Tiến: Phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi ô xy màng ngoài cơ thể (ECMO) giúp hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường.
Nguy hiểm thai nhi hít phân su trong bụng mẹ
Theo tiến sĩ - bác sĩ Hồ Tấn Thanh Bình, Trưởng Khối Sơ sinh-Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố: Trẻ hít ối có phân su vào phổi có thể gây viêm và nhiễm trùng nặng. Phân su cũng có thể chặn đường thở, vỡ hoặc suy phế nang, không khí từ bên trong phổi có thể tích tụ trong khoang ngực và xung quanh phổi gây tràn khí màng phổi, gây khó khăn cho việc tái tạo phổi...
Những trẻ hít ối phân su được cứu sống mà phải thở ô xy dài ngày có nguy cơ bị bệnh phổi mạn tính, tăng nhạy cảm đường thở (dễ phát triển bệnh hen suyễn, viêm phổi), chậm phát triển tâm thần, điếc.
Thai nhi có nguy cơ cao bị tình trạng này với những thai kỳ: chậm tăng trưởng trong tử cung; thai già tháng; mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, bệnh tim phổi mạn tính... Vì vậy, bác sĩ Bình khuyến cáo các trường hợp này cần được theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh.
Ngoài ra, bác sĩ Bình lưu ý thêm, khi thấy ra nước ối có màu xanh đậm, sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát nhịp tim thai, tình trạng suy thai, từ đó có những biện pháp can thiệp sớm để tránh các tai biến.
Các biểu hiện viêm phổi hít phân su ở trẻ sơ sinh là: Trẻ sinh ra thường có tầm vóc to, người phủ đầy phân su, miệng hầu đầy nước ối phân su. Biểu hiện suy hô hấp: thở nhanh, thở khó, rên rỉ, tím tái, ngưng thở... Nhịp tim chậm, giảm trương lực cơ. Trẻ có thể ngạt nặng, chết lâm sàng.
“Tuy hít ối phân su ở trẻ sơ sinh là tai biến đáng sợ cho các ông bố bà mẹ nhưng phần lớn các trường hợp là không nghiêm trọng. Việc theo dõi cẩn thận và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tình trạng nặng cũng như những di chứng về sau”, bác sĩ Tiến nhận định.
Nguyên Mi (Thanh Niên)